Quán cà phê từ lâu đã vượt ra ngoài chức năng đơn thuần là nơi thưởng thức đồ uống. Với không gian thoáng đãng, wifi miễn phí và không khí dễ chịu, nhiều nơi đã trở thành "văn phòng thứ hai", "góc học tập lý tưởng" cho không ít người. Tuy nhiên, khi sự tiện lợi này bị một bộ phận khách hàng "lạm dụng" bằng việc "ngồi đồng", thì các chủ quán bắt đầu phải tìm cách ứng phó.
"Đuổi khéo" hay cách làm mới?
Việc che ổ điện tại một số chi nhánh thuộc chuỗi cà phê The Coffee House đã ngay lập tức khiến cộng đồng mạng chia làm nhiều luồng ý kiến. Một bộ phận lớn khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên đến The Coffee House để làm việc, học tập, bày tỏ sự thất vọng và bức xúc. Họ cho rằng đây là hành động "đuổi khách khéo", đi ngược lại với hình ảnh thân thiện mà thương hiệu đã xây dựng. "Tôi chọn The Coffee House vì có ổ cắm điện tiện lợi để làm việc. Giờ che đi rồi thì chẳng khác nào các quán trà đá vỉa hè, thậm chí còn có thể bị thu thêm tiền sạc" - một bình luận gay gắt. Nhiều người cảm thấy quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, bởi ổ cắm điện từ lâu đã được coi là một phần tiện ích cơ bản của quán cà phê hiện đại.
Ngược lại, không ít người, bao gồm cả các chủ quán khác và một bộ phận khách hàng, tỏ ra thông cảm với The Coffee House. Họ cho rằng đây là một biện pháp "cực chẳng đã" để đối phó với tình trạng "ngồi đồng" quá mức, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. "Kinh doanh là phải có lãi. Nếu ai cũng vào gọi một ly nước rồi ngồi cả ngày cắm sạc thì quán khó có thể duy trì hoạt động" - một ý kiến bênh vực. Họ nhấn mạnh rằng quán cà phê là một doanh nghiệp, cần phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển.
Fanpage của The Coffee House sau đó đã lên tiếng chính thức, gọi đó là "những bước điều chỉnh nhỏ để làm mới không gian". Theo đại diện của The Coffee House các ổ điện sẽ được bố trí theo từng khu vực để khách hàng dễ dàng lựa chọn không gian phù hợp với nhu cầu. Chuỗi quán cà phê này sẽ tạm thời hạn chế sử dụng ổ cắm trong bán kính 2 m quanh khu vực quầy nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng.
Ông Trần Khải Minh Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Ẩm thực TP HCM (FBA), cho rằng việc The Coffee House thay đổi sau khi có chủ mới là Công ty CP Tập đoàn Golden Gate là điều dễ hiểu. Đây được xem là nỗ lực nhằm vực dậy một thương hiệu từng ghi dấu ấn trong ký ức nhiều người.
Tuy nhiên, cách thực hiện vội vã, thiếu sự phối hợp của các bộ phận khiến cho thương hiệu này đối mặt với khủng hoảng truyền thông, dẫn đến việc một số khách hàng kêu gọi tẩy chay hay đánh giá 1 sao cho thương hiệu.
"Đáng ra, bộ phận truyền thông phải đi trước, phải chia sẻ lý do vì sao The Coffee House phải thay đổi và thăm dò ý kiến khách hàng về những dự định thay đổi. Từ đó, sẽ nhận được những sự góp ý và cả sự cảm thông, chia sẻ từ khách hàng, giúp cho quá trình làm mới thương hiệu dễ dàng hơn" - ông Nhật bình luận.

Một số khách hàng “ngồi đồng” tại một quán cà phêẢnh: HUYỀN TRÂN
Khi quán là nơi làm việc, học tập
Ngày 26-5, dạo một vòng qua các quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức, hay khu Bắc Hải (quận 10)… không khó để bắt gặp hình ảnh quen thuộc: nhiều khách hàng, với chiếc máy tính xách tay mở sẵn hoặc những chồng tài liệu bày biện, lặng lẽ ngồi hàng giờ liền. Đây dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng tại các không gian cà phê ở TP HCM, nơi không chỉ đơn thuần là điểm hẹn cho những cuộc trò chuyện chóng vánh.
Do tính chất công việc nên anh Chương (ngụ quận 10) thường xuyên ngồi ở quán cà phê để làm việc và chờ gặp khách thay vì làm việc tại nhà. "Làm việc ở nhà dễ mang lại cảm giác quá thoải mái, khiến bản thân ù lì, buồn ngủ. Không khí ở quán cà phê, nơi mọi người tập trung làm việc, sẽ cho tôi năng lượng để làm việc tốt hơn, hiệu suất công việc cũng cao hơn" - anh Chương cho biết.
Võ Y Vy, sinh viên (ngụ TP Thủ Đức) cũng thường đến các quán cà phê để học tập. Võ Y Vy cho biết mỗi lần như vậy Vy cùng bạn bè thường ngồi khoảng 4-5 giờ, có ngày ngồi đến 12 giờ. Vy cho hay: "Chỉ cần bỏ tiền ra để mua một ly nước sẽ có một không gian thích hợp để làm việc, có wifi, máy lạnh… Những khi không muốn uống nước tôi sẽ chọn những quán có tính phụ thu cho việc không mua nước (khoảng 25.000 đồng/người) thì phần tiền phụ thu đó sẽ như là tiền tôi bỏ ra để "mua không gian"".
Anh Nam, nhân viên quán cà phê trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) cho hay: "Tại quán, khách ngồi từ 4 giờ trở lên là rất ít. Đa số mọi người thường ngồi khoảng 3-4 giờ. Và vì lượng khách vào quán sẽ không tập trung vào cùng một thời điểm cố định, nên việc "ngồi đồng" gây hết chỗ cho quán thường không xảy ra".
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một quán cà phê tại quận Bình Thạnh, cho biết việc kinh doanh quán cà phê khó tránh khỏi những lúc khách đông và sẽ có những lúc quán sẽ hết chỗ nhưng gần như không thể làm gì. Theo bà Hoa: "Khách đông, ngồi lâu gây hết chỗ thì mình cũng đành chịu thôi chứ khó tìm cách giải quyết. Khách hàng mà, đâu thể đuổi khéo được".
Làm sao để hài hòa lợi ích kinh doanh và sự thoải mái của khách? Chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp thiết thực để quán luôn đông vui, hiệu quả... Mời quý bạn đọc cùng tham gia diễn đàn: "Hiện tượng "ngồi đồng" và ứng xử từ chủ quán". Bài tham gia gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn
Bài toán khó của ngành dịch vụ đồ uống
Cũng theo ông Nhật, trong ngành dịch vụ đồ uống, việc khách hàng chi tiêu ít nhưng sử dụng tài nguyên của quán nhiều là một vấn đề hết sức đau đầu.
"Có những khách hàng chỉ gọi 1 ly cà phê nhưng ngồi 10 - 12 tiếng. Đây là điều mà nhiều người trước khi mở quán không nghĩ đến. Tuy nhiên, vì áp lực cạnh tranh, vì chiều khách, một số quán vẫn chấp nhận" - ông Nhật bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Nhật cũng nêu ví dụ điển hình về chuỗi cà phê Starbucks đã giới hạn thời gian sử dụng wifi của khách trong thời gian 2 giờ, khách muốn sử dụng wifi phải gọi đồ uống tiếp theo.
Cũng theo ông Nhật, nhu cầu đến quán cà phê để làm việc, học tập… của khách hàng là rất lớn và đã có nhiều chuỗi quán cà phê chuyên phục vụ phân khúc khách hàng này. Khi đó, mô hình thể hiện rõ là thuê không gian làm việc, mọi thứ phục vụ cho nhu cầu này và tính toán các dịch vụ phù hợp. Họ mở cửa 24/24 và rất thành công, khách luôn đông.
"Có quán còn bán thẻ thành viên, như một hình thức huy động vốn cho hoạt động kinh doanh còn khách hàng sẽ có nhiều quyền lợi hơn" - ông Nhật nói.
Bình luận (0)