Ngày 25-10, tại TP Vị Thanh, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao".
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ngày 12-12-2023, Hậu Giang vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chọn tổ chức lễ phát động "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).
Đến nay, mặc dù chỉ mới được triển khai thí điểm mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực.
"Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28.000 ha, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000 ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện" – ông Trương Cảnh Tuyên khẳng định.
Tuy nhiên, tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Đề án. Đó là, ảnh hưởng nặng nề từ các tác động của biến đổi khí hậu, diện tích trồng lúa đa phần là vùng trũng, phèn nên khó áp dụng triệt để quy trình ngập khô xen kẽ.
Ông Tuyên cũng nói thêm rằng việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ vẫn còn hạn chế. Do chưa có quy định cụ thể về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ carbon, một bộ phận nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án.
Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia Đề án chưa cũng được quy định cụ thể, kể cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu lúa gạo, tín chỉ carbon. Những điều này dẫn đến việc xây dựng chuỗi giá trị gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh chưa đạt được hiệu quả.
Cũng tại hội thảo, báo cáo sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm Đề án, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết sản lượng của vụ thu đông 2024 tại địa phương thí điểm cho năng suất ổn định. Cụ thể, với 140 ha trong Đề án cho năng suất 63,59 tạ/ha, trong khi đó với 156 ha diện tích ngoài Đề án cho năng suất 63,09 tạ/ha.
Đặc biệt, đối với các cánh đồng nằm trong Đề án lại giảm được 30% - 50% lượng giống, tương đương giảm từ 30 - 80 kg/ha, giúp bà con nông dân giảm được từ 0,6 - 1,6 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, lượng phân bón của các cánh đồng nằm trong mô hình cũng giảm đáng kể. Trung bình giảm từ 30 - 70 kg đạm/ha, qua đó giúp bà con nông dân tiết kiệm được từ 0,7 - 1,6 triệu đồng/ha.
Bình luận (0)