+ Phóng viên: Khi mắc cúm người lớn thường có xu hướng tự mua các loại thuốc về dùng, đối với trẻ nhiều người lo lắng đưa trẻ đi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Xin bác sĩ cho biết khi mắc cúm có cần uống kháng sinh hay kháng viêm và có cần xét nghiệm tìm nguyên nhân?
- BS CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM): Cúm thường tự khỏi, từ 7-14 ngày sẽ tự hết, chỉ cần dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, tăng cường sức đề kháng bằng vitamin, uống nhiều nước, ăn đa dạng bổ sung dinh dưỡng. Cúm không cần dùng kháng sinh cũng không cần dùng thuốc kháng siêu vi.
Khi mắc cúm cũng không cần phải thực hiện xét nghiệm, trừ 1 số trường hợp trẻ nhập viện có diễn tiến suy hô hấp nhanh hoặc xuất hiện chùm ca bệnh tại nhà hoặc tại trường học mới cần thực hiện xét nghiệm tìm tác nhân nhằm có hướng điều trị phù hợp.
Tại bệnh viện cũng có các xét nghiệm cúm nhanh nhưng không cần thiết vì tốn kém trong khi cúm có thể tự hết sau thời gian 7-14 ngày.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp qua các giọt nước bọt nhỏ hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Thông thường bệnh diễn tiến nhẹ và hồi phục sau 2-7 ngày, có thể kéo đến 14 ngày. Tuy nhiên, với các đối tượng người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bệnh có thể diễn biến nặng, dễ gặp biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, suy hô hấp… và có thể dẫn tới tử vong.
+ Hiện đang vào mùa mưa, đây cũng là điều kiện sốt xuất huyết gia tăng. Xin bác sĩ cho biết có những dấu hiệu nào để phân biệt?
- Cúm và sốt xuất huyết có những triệu chứng giống nhau như sốt cao, đau nhức người, nhức đầu, mệt mỏi, ăn kém. Sốt xuất huyết thường có kèm theo dấu hiệu sau đó như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu răng. Để phân biệt sốt xuất huyết đơn thuần thường sốt cao đơn thuần không kèm theo triệu chứng hô hấp như sổ mũi, hắt hơi,... như cúm.
+ Phòng ngừa cúm ra sao thưa bác sĩ?
- Tiêm vắc - xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm. Tiêm phòng cúm đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao và những người hành nghề chăm sóc sức khỏe. Khuyến cáo tiêm phòng cúm hàng năm cho các đối tượng gồm: Phụ nữ mang thai; trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi; người trên 65 tuổi; người mắc bệnh mạn tính; nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp phòng ngừa như: Rửa và lau khô tay thường xuyên; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; vứt bỏ khăn giấy đúng cách sau khi sử dụng; ở nhà khi cảm thấy không khỏe; tránh tiếp xúc gần với người bệnh; tránh chạm vào mắt, mũi hay miệng.
Bình luận (0)