Theo báo cáo từ Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), sự phục hồi kinh tế nói chung, tốc độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp hóa chất cũng được duy trì và tăng trưởng ấn tượng.
Lượng nhập khẩu, kinh doanh hóa chất tăng cao, đặc biệt đối với hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Song song với vấn đề đó, số lượng hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất ngày càng tăng; các hoạt động vi phạm trong lĩnh vực hóa chất ngày càng đa dạng và phức tạp.
Trong đó có hành vi về thực hiện khai báo hóa chất không đúng thông tin và thực tế hoạt động nhập khẩu.
Hiện tượng này có nguy cơ gây giảm hiệu quả công tác kiểm soát các loại hóa chất nguy hiểm, đặc biệt là các loại hóa chất có thể bị lạm dụng vào các mục đích không phù hợp gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như N2O (khí cười), các hợp chất xyanua, các tiền chất công nghiệp (có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất các loại ma túy tổng hợp).
Trước vấn đề trên, Cục Hóa chất luôn nhận định công tác thanh tra, kiểm tra là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết, phù hợp với xu hướng chuyển hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Năm 2024, Cục Hóa chất đã xử lý vi phạm với tổng số tiền phạt và thu hồi ngân sách đạt hơn 2,3 tỉ đồng (tăng 82% so với năm 2023).
Bên cạnh các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Cục Hóa chất đã áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất đối với 2 công ty và tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế đối với 1 công ty.
Công tác thanh tra, kiểm tra còn phản ánh thực trạng cần lưu tâm khi số lượng hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng.
Phân tích chi tiết các hành vi vi phạm cho thấy những điểm yếu trong công tác quản lý an toàn hóa chất của doanh nghiệp; trong đó, vi phạm về huấn luyện an toàn chiếm tỉ lệ cao nhất với 22%, thể hiện qua việc không tổ chức huấn luyện định kỳ, nội dung huấn luyện không đầy đủ hay người huấn luyện không đạt tiêu chuẩn.
Tiếp đến là các vi phạm về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và kế hoạch/biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (chiếm 20%). Các vấn đề về Phiếu an toàn hóa chất cũng chiếm tới 12% tổng số vi phạm được phát hiện.
Theo Cục Hóa chất, việc tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm được xem là những giải pháp then chốt để có để tăng cường hiệu quả công tác quản lý về hóa chất trong thời gian tới.
"Với tinh thần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 tăng 30% số lượng so với năm 2024, Cục Hóa chất đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước" - Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Bình luận (0)