Được thành lập từ năm 1997, PTIT là trường ĐH công lập duy nhất trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong chiến lược phát triển học viện xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; là hình mẫu tiên phong về chuyển đổi số trong giáo dục đại học; nằm trong top 100 châu Á và top 5 ASEAN về công nghệ số.
Tiên phong mở các ngành đào tạo mới
Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, trong thời gian qua, PTIT đã mạnh dạn tìm những hướng đi mới đón đầu xu hướng công nghệ và nhu cầu nguồn nhân lực. Học viện luôn đi đầu trong đa dạng hóa các chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo mới đặc biệt là các ngành đào tạo lai ghép công nghệ số, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2011, PTIT là trường đại học đầu tiên mở ngành công nghệ đa phương tiện trình độ đại học. Chỉ hai năm sau đó, năm 2013, học viện cũng trở thành là đơn vị đầu tiên được đào tạo ngành an toàn thông tin trình độ đại học.
Tiếp đó, từ năm 2015 là các ngành truyền thông đa phương tiện; thương mại điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ Internet vạn vật, khoa học máy tính định hướng dữ liệu, kỹ thuật dữ liệu… Gần đây nhất, năm 2024, học viện công bố tuyển sinh Chương trình Cử nhân thiết kế và phát triển game lần đầu tiên tại Việt Nam.
Triển khai mô hình ĐH số
Song song với mở ngành đào tạo mới, PTIT đã thực hiện chuyển đổi số, triển khai mô hình đại học số đầu tiên tại Việt Nam.
Học viện xác định ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa các quy trình đào tạo, giảng dạy nhằm đào tạo quy mô lớn, chất lượng cao với nguồn lực tối ưu, phục vụ đa dạng hóa các nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, nâng cao, đào tạo suốt đời, mang lại trải nghiệm tốt nhất và phát triển toàn diện về năng lực cho người học.
Học viện xác định 3 yếu tố then chốt của chuyển đổi số là: Chuyển đổi số toàn diện công tác quản trị đại học, chuyển đổi số đa dạng phương pháp dạy và học, lấy người học và giảng viên làm trung tâm.
Sau 3 năm chuyển đổi số, đến nay PTIT đã hoàn thiện được 11 nền tảng cho giáo dục đại học số. Các nền tảng nổi bật như hệ thống thực hành Dlab có bài (với 10 học phần) đã tới 5,6 triệu lượt truy cập. Giải pháp tuyển sinh số của Học viện đã được Bộ GD-ĐT sử dụng trong các kỳ tuyển sinh năm 2022, 2023.
Về học liệu số, học viện đã xây dựng một số học liệu cho môn tưởng chừng khó khăn nhất để áp dụng chuyển đổi số là môn chính trị và mời những người nổi tiếng giảng các bài học. Hiện nay, học viện có gần 2.000.000 - 3.000.000 sinh viên học 17 tín chỉ từ các môn chính trị.
Bên cạnh việc chú trọng số hoá trong công tác giảng dạy, PTIT còn thực triển khai dịch vụ trực tuyến mức độ 4. Cụ thể, dịch vụ đã được ứng dụng ngay trong các dịch vụ căng-tin của nhà trường như gọi dịch vụ ăn uống đã được tích hợp trên nền tảng ứng dụng (app) S-link của PTIT (PTIT S-link), mang đến môi trường học tân tiến, hiện đại hơn cho sinh viên.
Ngay trong tháng 4-2023, đã có gần 1.000 yêu cầu đặt đồ ăn, uống trực tuyến (P-Coffee) thông qua ứng dụng của học viện, là hình thức thúc đẩy sinh viên học viện tham gia vào S-link tích cực hơn. Bên cạnh đó, không gian, quy mô phát triển của học viện được mở rộng như: mở thêm hướng đào tạo hoàn toàn trên công nghệ số kết hợp với doanh nghiệp; hệ đào tạo từ xa, vừa làm vừa học. Học viện cũng định hướng mở chương trình đào tạo từ xa tại nước ngoài thông qua nền tảng số.
Đến nay, học viện đã hoàn thành giai đoạn 1 quá trình chuyển đổi số. Diện mạo của một đại học số dần hình thành để hướng tới sớm trở thành đại học số đầu tiên của Việt Nam. Đây là hình mẫu tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia, là một quốc gia số thu nhỏ, thay đổi cách thức dạy và học. Triển khai đại học số đã giúp thương hiệu, uy tín của học viện được ghi nhận rõ nét trong cộng đồng các trường đại học, học viện. Học viện đã thực hiện chuyển giao và nhân rộng mô hình chuyển đổi số ra các trường đại học, học viện trên toàn quốc.
Học viện đang thể hiện được hướng đi đúng, bám sát những thay đổi của thực tiễn và đi tắt đón đầu các xu hướng công nghệ để hoàn thành sứ mệnh "gắn kết các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và công nghệ số, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường".
Tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu chính quy
Trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 5.060 chỉ tiêu tại hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TP HCM. Học viện vẫn áp dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội; Xét tuyển kết hợp và Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cùng với đó, Học viện dự kiến mở và tuyển sinh thêm các ngành, chương trình đào tạo mới: Quan hệ công chúng; Thiết kế và phát triển game; Công nghệ thông tin Việt -Nhật…
Mọi thông tin về tuyển sinh đại học chính quy 2024 xem tại: https://ptit.edu.vn, https://tuyensinh.ptit.edu.vn, www.facebook.com/HocvienPTIT/
Bình luận (0)