Lãi suất của Mỹ vốn neo cao ở mức 5,25%-5,5% kể từ tháng 7 năm ngoái.
Theo Reuters, các thị trường tài chính ban đầu suy đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED sẽ diễn ra vào tháng 3, song kỳ vọng đó đã bị đẩy lùi đến tháng 9 trong bối cảnh dữ liệu về thị trường lao động và lạm phát tiếp tục gây bất ngờ.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng đối với FED, tăng 3,4% trong quý I/2024 trong khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế chậm lại - ở mức 1,6%. Các chỉ số của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2%.
Dữ liệu do Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26-4 cũng chỉ ra rằng chi tiêu của người dân đã vượt xa thu nhập trong tháng 3 trong khi tỉ lệ tiết kiệm cá nhân giảm xuống 3,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2022. Theo đài CNBC, tình trạng này không giúp giảm lạm phát.
Lạm phát dai dẳng còn đe dọa khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ. Trong kịch bản xấu hơn, FED thậm chí phải tính đến việc tăng lãi suất trong tương lai gần.
Ông Mike Sanders, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Công ty tư vấn tài chính Madison Investments (Mỹ), nhận định: "Nếu lạm phát vẫn ở mức cao hơn, FED sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là đẩy nền kinh tế vào suy thoái, từ bỏ kịch bản hạ cánh mềm".
Lạc quan hơn Mỹ, trong số 20 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, lạm phát giá tiêu dùng đã chậm lại đều đặn kể từ đầu năm, xuống mức 2,4% trong tháng 3. Theo đài CNN, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.
Trong khi đó, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 34 năm qua so với đồng yen của Nhật Bản hôm 26-4, sau khi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ được công bố. Tại Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận công nghiệp trong tháng 3 sụt giảm dẫn đến hoài nghi về sự phục hồi kinh tế.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 27-4, lợi nhuận của các nhà sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong quý I/2024 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức tăng 10,2% của hai tháng đầu năm. Các số liệu cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn ở mức yếu dù GDP quý I tăng trưởng vững chắc.
Bình luận (0)