* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết cơ sở 2 (đường 400, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) đi vào hoạt động có vai trò quan trọng như thế nào trong việc khám, chữa bệnh cho người mắc ung thư?
- TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh: Có cơ ngơi hiện đại, khang trang như tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là niềm mong ước bấy lâu nay của rất nhiều bệnh nhân không may mắc bệnh ung thư, của tập thể nhân viên y tế bệnh viện và của cả khu vực phía Nam.
TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM
Chúng tôi kỳ vọng sẽ đem lại một chất lượng cuộc sống cho người bệnh cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nếu ai đã từng đến cơ sở 1 Bệnh viện Ung bướu trước đây sẽ thấy điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân và điều kiện làm việc của nhân viên y tế rất khó khăn. Nhiều khi 2-3 bệnh nhân phải nằm chung nhau trên 1 giường bệnh, thậm chí có những bệnh nhân nặng nhưng vẫn phải nằm dưới gầm giường. Đây là nỗi đau lòng cho nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân người bệnh. Phòng bệnh tại đây chỉ có 2-3 giường, trong phòng khí điều hòa, nhà vệ sinh riêng… Tại cơ sở này, chúng tôi sẽ thay đổi tư duy phục vụ, giao tiếp, chăm sóc chuyên môn cho người bệnh tốt hơn...
* Xin bác sĩ cho biết thêm việc điều phối hoạt động giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 như thế nào?
- Tới thời điểm hiện tại, tất cả các khu vực nội trú ở tất cả các khoa phòng đều dời về cơ sở mới. Có nghĩa là 90% nhân viên của bệnh viện và toàn bộ bệnh nhân đều được chuyển về cơ sở 2, máy móc hoạt động 100%.
Đối với cơ sở 1 tại số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh không còn bệnh nhân nội trú. Còn tại cơ sở ở địa chỉ 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh đã được đầu tư cách đây hơn 5 năm vẫn sẽ duy trì khám bệnh cho người dân tại TP. Như vậy, tất cả điều trị về chuyên môn sẽ thực hiện tại cơ sở 2 (đường 400, phường Tân Phú, TP Thủ Đức).
Tổng số cán bộ nhân viên của bệnh viện là 1.600; trong đó, 1.200 nhân viên làm việc tại cơ sở 2, còn lại là tại cơ sở 1. Cơ sở 2 của bệnh viện được đầu tư rất lớn với hơn 5.000 tỉ đồng và 2.000 tỉ đồng đầu tư trang thiết bị như máy xạ trị tiên tiến, phòng mổ hiện đại, thiết bị về nội soi, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Đây là tiền đề để công tác chăm sóc người bệnh tốt hơn, giảm thiểu phần nào thời gian chờ đợi của người bệnh.
* Bên cạnh hoạt động trong cơ sở khang trang, hiện đại, xin bác sĩ cho biết thách thức của đơn vị khi về cơ sở mới như thế nào?
- Chắc chắn thời gian đầu khi bệnh viện mới đi vào hoạt động sẽ có rất nhiều khó khăn, kinh nghiệm cho thấy phải tối thiểu 2 năm sau hoạt động mới trơn tru. Bệnh viện được đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng trang thiết bị, trong đó, khó khăn nhất là kinh phí bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị. Đây là kinh phí cực lớn, trung bình tốn khoảng 10%/ năm để bảo dưỡng trang thiết bị, như vậy 1 năm cần khoảng 200 tỉ đồng cho hoạt động này.
Bệnh viện cũng đã trình lên các cấp lãnh đạo để có thể bổ sung ngân sách, vì nếu không bảo trì, bảo dưỡng sẽ dễ dẫn đến xuống cấp. Cùng với đó, kinh phí vận hành tòa nhà cũng rất lớn. Trước đây, tại cơ sở 1, 1 tháng cần khoảng 1 tỉ đồng tiền điện, nhưng tại cơ sở 2 tốn gần 5 tỉ tiền điện bởi thiết bị hiện đại, hệ thống chiếu sáng, dàn máy lạnh, diện tích rộng… Đây là những khó khăn, thách thức cho bệnh viện bởi kinh phí lớn nhằm đảm bảo hoạt động tại cơ sở 2. Hy vọng TP sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho bệnh nhân đồng thời đảm bảo thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế bệnh viện.
Bình luận (0)