Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa COVID-19 kiêm Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
*Phóng viên: Thời gian qua, dịch COVID-19 đã tạm lắng nhưng gần đây, tình trạng bệnh nhân nặng nhiều hơn và xuất hiện những ca tử vong, xin bác sĩ cho biết vì sao lại xảy ra tình trạng này?
- TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa COVID-19 kiêm Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM): Dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, vẫn có những đợt đi lên đi xuống, di chuyển từ vùng này sang vùng khác giống như những nước phát triển. Tuy nhiên, đối tượng nhiễm, tử vong tỉ lệ cũng không tăng hơn. Có nghĩa là nó đã ổn định chứ không mất đi. Không mất đi thì khi rơi vào những đối tượng nguy cơ trở nặng thì vẫn tử vong
*Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 như thế nào?
- Trung bình 1 ngày BV Chợ Rẫy có 10 bệnh nhân nặng nhập viện. Cả tháng nay đều như thế. Hiện nó vào mức độ ổn định, còn chuyện tăng vọt thì không phải. Số lượng mắc mới và tử vong đã giảm đi nhiều nên người ta đã quen với nó.
Hiện nay những người dương tính tự chữa ở nhà, người ta tự test nếu nhẹ sẽ ở nhà điều trị, chỉ khi nào nặng họ mới cần vào bệnh viện. Ở cơ sở y tế, khi có triệu chứng lâm sàng mới test chứ không như trước vào là sàng lọc, test ngay. Dịch COVID-19 đã chuyển sang trạng thái khác, tạm thời ổn định hơn, tất nhiên vẫn phải canh chừng dịch bùng phát.
* Hiện nhiều người mắc các bệnh về hô hấp nhưng do đã quen với COVID-19 nên ít ai xét nghiệm, vậy điều này có nguy cơ gì?
- Vào mùa lạnh, mùa cúm, có nhiều dạng cúm cho nên vẫn phải test nếu có triệu chứng lâm sàng để loại trừ COVID-19. Vẫn phải cảnh giác, kiểm soát mức độ có gia tăng hay không. Còn bệnh nhân vào viện vẫn được theo dõi để báo cáo với Bộ Y tế.
Nói chung COVID-19 vẫn còn lan tràn ở nhiều quốc gia khác nhau với mức độ lên xuống khác nhau, cho nên vẫn có tử vong do COVID-19, vẫn có ca mắc mới. Tuy nhiên, hiện số ca tử vong, số ca nhiễm vẫn đang ở tình trạng khống chế được. Việt Nam vẫn phải cảnh giác nhưng không quá lo, không phải áp dụng biện pháp chặt chẽ phòng chống dịch như trước nhưng vẫn nên thực hiện V2K theo quy định của Bộ Y tế, quan trọng là vệ sinh cá nhân, còn mọi hoạt động dần trở về bình thường.
* Vừa qua đã ghi nhận thêm chủng mới, vậy có đáng lo ngại không thưa bác sĩ?
- Chúng ta vừa phát hiện thêm chủng virus gây bệnh mới. Chủng này có làm tăng sự lây lan nhưng độc lực gây bệnh chưa được ghi nhận. Ở Việt Nam chủ yếu vẫn là Omicron nên không đáng lo ngại. Cần theo dõi diễn tiến của dịch để có cảnh báo nhưng đến nay vẫn chưa có cảnh báo nào cho thấy dịch bệnh nặng nề hơn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM khuyến cáo hiện COVID-19 không còn đáng lo ngại. Về số ca tử vong không chỉ COVID-19 mà người lớn tuổi, có bệnh nền… mắc các bệnh khác cũng có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, hiện đang là cao điểm của mùa dịch, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố. Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng. Do đó, cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.
Bình luận (0)