Thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều về việc Việt Nam có nên tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Người Lao Động đã có trao đổi với PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP HCM.
GS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM, chia sẻ về việc có nên thông báo chấm dứt đại dịch COVID-19
* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng nên kết thúc đại dịch COVID-19, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: Chấm dứt đại dịch là gì? Thử tưởng tượng đại dịch như "quái vật", mình chấm dứt nó ngay thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, đại dịch không phải là "quái vật", để tiêu diệt không phải do mình, mình chỉ có thể tuyên bố tiêu diệt được hay chưa chứ không thể nói nó chết là chết ngay.
Đại dịch hiện diện hay không là khách quan chứ không phải do mình tuyên bố là chấm dứt. Mình cũng không được tuyên bố, bởi đại dịch ảnh hưởng toàn thế giới. Không thể nói hết dịch là đại dịch chấm dứt.
* Thưa ông, nếu tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19 thì có lợi hay hại gì?
- Nếu công bố hết đại dịch lợi không nhiều nhưng hại thì có một số vấn đề. Cụ thể như người dân sẽ chủ quan.
Khi đó, nếu không tuân thủ đeo khẩu trang, tiêm vắc-xin thì có thể số ca mắc tăng. Mà ca mắc tăng thì hại gì? Nó không chỉ hại về chăm sóc y tế. Theo thống kê của Mỹ, có 5 triệu người dân không đi làm vì sợ COVID-19. Ở Việt Nam có thể ít hơn nhưng nếu tăng số ca nhiễm thì ít nhất cũng có 10% người dân sợ. Như vậy, sẽ ngăn cản sự hội nhập xã hội của họ, ảnh hưởng về mặt kinh tế, lao động…
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố đây là đại dịch, ảnh hưởng cả thế giới. Trong khi đó, nếu Việt Nam tuyên bố hết dịch nhưng ở các nước lân cận bị bùng dịch trở lại thì mình vẫn có thể bị lại.
Vì vậy, cần tuân thủ luật quốc tế. Còn hiện tại, chưa phải lúc công bố hết đại dịch hay chưa.
Bình luận (0)