Phóng viên: Mới đây, Công an huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) vừa xử phạt một người phụ nữ đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn. Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với các trường hợp đi xe đạp sau khi sử dụng rượu, bia và chế tài cụ thể ra sao thưa luật sư?
Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP HCM):
Không chỉ người vi phạm mà một số người cho rằng khi đi xe đạp tham gia giao thông thì không bị cấm sử dụng rượu bia. Bởi lâu nay, khi nhắc đến xử phạt nồng độ cồn thì thường chúng ta nghĩ ngay đến những người điều khiển ôtô, xe máy. Nhưng căn cứ quy định pháp luật, người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn vẫn bị xử phạt.
Luật sư Trương Văn Tuấn nói về việc xử phạt nồng độ cồn đối với người đi xe đạp.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, "người tham gia giao thông" được định nghĩa là người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.
Còn tại khoản 21 điều này định nghĩa "phương tiện tham gia giao thông đường bộ" gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.
Như vậy, phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là: xe ôtô; máy kéo; rơ móc hoặc sơ mi rơ móc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe môtô hai bánh; xe môtô ba bánh; xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp, kể cả xe đạp máy, xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Trường hợp người phụ nữ đi xe đạp lưu thông trên đường ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La bị xử phạt nồng độ cồn là trường hợp đang tham giao thông đường bộ bằng phương tiện giao thông thô sơ là xe đạp.
Căn cứ theo điều 8, Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 80.000 đến 100.000 đồng.
Người vi phạm vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở bị phạt 200.000-300.000 đồng.
Mức phạt tăng lên 400.000-600.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Phóng viên: Trường hợp người đi bộ say rượu, bia có bị thổi nồng độ cồn không, thưa luật sư?
Luật sư Trương Văn Tuấn: Quy định pháp luật hiện nay không quy định xử phạt người đi bộ tham gia giao thông đã uống rượu, bia.
Tuy nhiên, trường hợp người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ như vượt đèn đỏ, đi sai làn, đi lên cao tốc, đu bám theo phương tiện giao thông đang chạy... sẽ bị xử lý tương ứng với hành vi vi phạm giao thông đó, kể cả người đi bộ này đã sử dụng rượu, bia hay chưa.
Cụ thể, Điều 9 Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định:
- Phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc".
Cảm ơn luật sư!
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!