*Phóng viên: Theo thông tin trước đó, TP HCM dự kiến tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi, xin ông cho biết kế hoạch tiêm cho trẻ như thế nào?
- Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM: Đây là một trong những vấn đề mà người dân TP nói chung và các bậc phụ huynh rất quan tâm.
Ngày 14-10, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688 về việc tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Trong đó, Bộ Y tế chỉ đạo các vấn đề liên quan để Sở Y tế các địa phương tham mưu cho địa phương nhằm tổ chức tiêm ngừa.
Ngay sau đó, Sở Y tế TP HCM đã gửi tờ trình lên UBND TP về kế hoạch dự kiến tiêm ngừa cho trẻ. Sau khi có tờ trình, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan gồm Sở GD-ĐT, Sở Thông tin Truyền thông và Sở Lao đông Thương binh Xã hội trên tinh thần thảo luận kỹ những nội dung văn bản của Bộ Y tế cũng như các số liệu của TP.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin.
TP HCM sẽ triển khai ngay sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn và phê duyệt vắc-xin để tiêm ngừa cho các cháu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các khu vực sẽ hướng dẫn, tập huấn để các đơn vị triển khai đúng chuyên môn, vì an toàn là tiêu chí cần phải bảo đảm khi tiêm cho các cháu.
Sở Y tế cũng phối hợp với Sở GD-ĐT thống kê số lượng các cháu lứa tuổi này đang đi học ở các lớp là 780.000 cháu. Trong đó, chủ yếu là các cháu học phổ thông và có hơn 10.000 cháu không đi học hoặc học hệ khác.
Tất cả các cháu lứa tuổi này trên địa bàn TP đều được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian diễn ra chiến dịch. Về nơi tiêm sẽ thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế, có thể là ở trạm y tế, bệnh viện hoặc trường học… Chúng ta sẽ triển khai ngay sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn vắc-xin và tập huấn tiêm cho trẻ.
Do các cháu dưới 18 tuổi nên trước khi tiêm phải có sự đồng ý của các bậc phụ huynh. Hiện ngành giáo dục cũng đang lấy ý kiến các phụ huynh, nếu có sự đồng thuận thì sẽ tiêm cho các cháu và trước khi tiêm, ngành giáo dục sẽ phối hợp với ngành y tế tư vấn cho phụ huynh cũng như các cháu hiểu về lợi ích cũng như những phản ứng bất lợi, phản ứng sau tiêm để phối hợp cùng với gia đình, nhà trường và ngành y tế làm sao theo dõi sát sao, phản ứng bất lợi để có hướng xử lý kịp thời.
* Đối với các trường hợp về TP HCM sinh sống làm việc, TP sẽ hỗ trợ tiêm vắc-xin như thế nào, thưa ông?
- Sau thời gian nới lỏng giãn cách, có một số người lao động cũng như người dân ở TP về các tỉnh, bây giờ muốn trở về TP sinh sống, học tập và làm việc. Những người này cũng sẽ được tạo điều kiện tiêm vắc-xin đầy đủ, nếu chưa được tiêm thì sẽ tiêm mũi 1, nếu đến hạn tiêm mũi 2 sẽ được tiêm mũi 2.
Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện và cũng mong người dân khi trở về TP thì hãy đăng ký với địa phương để được tiêm. Song song đó, trách nhiệm của UBND các quận, huyện phải chỉ đạo cho các phường, xã làm sao nắm bắt trong thời gian sớm nhất tiêm vắc-xin cho bà con.
Đối với các doanh nghiệp, khi người lao động về TP HCM làm việc chưa tiêm vắc-xin, Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp phải lập danh sách gửi lên để người lao động được tiêm. Việc tổ chức tiêm có thể tiêm các các điểm tiêm hoặc khu vực nào đó thuận tiện.
Hiện trừ huyện Bình Chánh, tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức đang đẩy nhanh công tác tiêm ngừa bằng xe tiêm vắc-xin lưu động. Do một số nguyên nhân, trong hôm nay, chậm nhất là ngày mai sẽ tăng cường 1-2 xe tiêm lưu động đến Bình Chánh để tiêm vắc-xin đầy đủ cho bà con. Cùng với đó, Sở Y tế cũng đang phối hợp với UBND các địa phương cửa ngõ để tiêm vắc-xin cho người dân muốn trở lại TP, chứ không nhất thiết phải về địa phương mới đăng ký.
* Với chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19, trong trường hợp phát hiện F0 trong cộng đồng, cơ quan đơn vị hay doanh nghiệp sẽ xử lý như thế nào?
- Để xác định F0 có nhiều cách. Thứ nhất, nếu phát hiện tại phòng khám được Bộ Y tế công nhận kết quả khẳng định RT-PCR thì các F0 này sẽ được phòng khám cập nhật lên phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm. Danh sách này sẽ được đưa về trạm y tế. Do đó, trạm y tế phải thường xuyên mở để phát hiện và xử lý kịp thời.
Nguồn thứ 2 là từ các xét nghiệm với các nhóm nguy cơ và nguy cơ cao tại các cơ sở khám bệnh hoặc tại các chợ đầu mối, bến xe, siêu thị. Tại những khu vực này, khi phát hiện ra những F0 không sẽ đưa về trạm y tế địa phương, nơi có F0 cư trú.
Thứ 3, đối với những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ tại khu vực khám sàng lọc tại bệnh viện, khi phát hiện là F0 các cơ sở khám chữa bệnh phải báo về cho trạm y tế. Ngoài ra, hiện nay, một số người dân sau khi tự xét nghiệm phát hiện mình là F0 vì lý do như có triệu chứng ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ cần phải thông báo với y tế địa phương.
Trạm y tế địa phương nếu thấy xét nghiệm có đủ cơ sở (ho, sốt,… có yếu tố dịch tễ) thì không cần xét nghiệm lại, nếu chưa đủ cơ sở thì tiến hành xét nghiệm lại. Khi phát hiện các F0, trạm y tế sẽ lập danh sách F0 để thiết lập các trường hợp tiếp xúc gần F1 nhằm có hướng xử lý.
Hiện nay, có 2 khái niệm, đầu tiên là ổ dịch hộ gia đình là chỉ có 1 hộ có ca F0. Tuy nhiên, trong khu vực đó nếu từ 2 hộ có F0 trở lên thì gọi là ổ dịch cộng đồng. Về cơ bản, đối với những hộ có F0, địa phương và cơ quan y tế sẽ đến khám, đánh giá tình trạng của F0, nếu đủ điều kiện thì được cách ly tại nhà. Nếu bệnh nhân có những triệu chứng nặng hoặc SP02 dưới 96% thì sẽ báo cho tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu và chuyển đến bệnh viện.
Điều khác biệt so với các doanh nghiệp là tất cả người lao động phải được tiêm vắc-xin. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động phải tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được tiêm 2 mũi vắc-xin. Việc phát hiện các F0 tại các doanh nghiệp cũng khác so với trước đây.
Khi phát hiện ca dương tính, F0 phải được tách ra khỏi khu vực sản xuất, không ảnh hưởng đến hoạt động chung. F0 được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện hoặc đưa đi điều trị nếu có triệu chứng nặng.
Bình luận (0)