Bác sĩ (BS) Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết các bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng cao khi hết giãn cách xã hội, quay lại cuộc sống bình thường mới, các hoạt động giao lưu sẽ nhiều hơn. Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần cho con em mình tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm nằm trong chương trình tiêm chủng thường quy.
Gián đoạn vì Covid-19
Quận Phú Nhuận, TP HCM là một trong những điểm xanh, với tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 đạt 100% cả 2 mũi. Đây cũng là thời điểm thích hợp để quận nhanh chóng triển khai các hoạt động tiêm chủng cho trẻ em.
Ghi nhận tại Trạm Y tế phường 15, quận Phú Nhuận, đây là nơi đầu tiên khởi động lại chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn quận.
Có mặt từ sớm theo lịch hẹn, chị Cao Thị Mỹ Anh (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết dù được tự do đi lại nhưng bản thân vẫn lo lắng khi đưa con ra ngoài. Tuy nhiên, vì sức khỏe và phòng bệnh cho bé nên chị đã trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn tay và đeo kính chắn giọt bắn.
"Cách đây hơn 2 tháng khi bé vừa tiêm vắc-xin 5 trong 1 (Quinvaxem; gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib) thì TP HCM bùng phát dịch bệnh. Thời điểm đó, tôi đã gọi điện cho Trạm Y tế vì lo lắng trễ mũi tiêm sẽ ảnh hưởng đến việc phòng bệnh cho bé. Tuy nhiên, được tư vấn nên tôi cũng an tâm. Hôm nay, bé tiêm nhắc lại vắc-xin 5 trong 1 và uống vắc-xin bại liệt" - chị Anh cho biết.
Trẻ được tiêm nhắc vắc-xin 5 trong 1, tại Trạm Y tế phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM
Còn với chị Vũ Thị Phương Trang (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết không chỉ dịch Covid-19 mà nhiều phụ huynh cũng lo lắng về các dịch bệnh khác đối với trẻ. Vì vậy, chị cũng không an tâm khi con chưa được chủng ngừa đầy đủ.
"Khi vừa hết giãn cách tôi đã đăng ký hỏi tiêm vắc-xin cho con vì lo lắng dịch chồng dịch nếu như trẻ không được chủng ngừa đầy đủ. Ngoài ra, sau khi tiêm về 2 mẹ con sẽ tự cách ly trong phòng vài ngày, đồng thời kết hợp xông nhà, khử khuẩn các bề mặt hằng ngày và bổ sung các loại vitamin để tăng sức đề kháng" - chị Trang nói.
BS Mai Hồng Nhung, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, cho biết theo thống kê hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng tại quận Phú Nhuận chỉ đạt 63,3% so với chỉ tiêu 95% của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đề ra để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng. Tỉ lệ trẻ sinh năm 2019 đã tiêm mũi sởi thứ 2 chỉ đạt 82,5/95%. Tỉ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4 (tức DPT4) chỉ đạt 75,2/95%. Sự gián đoạn này do đại dịch Covid-19 là điều chưa có tiền lệ.
BS Nhung cho biết Trung tâm y tế quận đã rà soát và bắt đầu tổ chức tiêm chủng cho trẻ trên toàn quận. Tỉ lệ trẻ gián đoạn các mũi tiêm rơi vào nhóm trẻ sinh năm 2019 và 2020, dự kiến toàn quận có khoảng 300 trẻ sẽ được tiêm trong tháng này. Sau 1 tháng sẽ rà soát lại số lượng để tiếp tục tiêm vét nhằm bảo đảm miễn dịch cho trẻ.
Phòng bệnh chủ động
BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC, cho biết thời gian qua, chỉ vắc-xin ngừa lao và viêm gan B vẫn được thực hiện cho trẻ. Vì vắc-xin này trẻ được tiêm trong bệnh viện sau sinh 1-2 ngày. Tuy nhiên, một số vắc-xin khác nằm trong hoạt động tiêm chủng mở rộng phần nào bị gián đoạn vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Ngành y tế thành phố đang khẩn trương triển khai lại hoạt động tiêm chủng nhằm đạt độ bao phủ và khoảng trống miễn dịch. HCDC đã gửi công văn đến các bệnh viện công lập, ngoài công lập, Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc củng cố hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Đây cũng là thời điểm tiêm ngừa tốt nhất cho trẻ khi cả nước đã vượt qua cao điểm của dịch Covid-19. Các bậc phụ huynh theo dõi, nắm bắt thông tin từ địa phương để đưa trẻ đi tiêm chủng.
Theo BS Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Trạm Y tế phường 15, quận Phú Nhuận - nhằm bảo đảm an toàn cho chương trình tiêm chủng mở rộng, trước khi đưa trẻ đến tiêm chủng, phụ huynh cần thực hiện khai báo y tế, số lượng người đến tiêm cũng được trạm y tế hẹn theo khung giờ, tránh tụ tập đông người.
BS Dư Tuấn Quy khuyến cáo các cơ sở y tế về tiêm chủng mở rộng đã hoạt động trở lại như bình thường. Do đó, với những trẻ dưới 2 tuổi chưa tiêm các mũi vắc-xin cơ bản như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi… thì nên đi tiêm càng sớm càng tốt. Đối với trẻ lớn hơn, chưa được tiêm mũi vắc -xin nhắc lại cũng nên tranh thủ đi tiêm. "Hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu và chưa hoàn thiện. Vì vậy, nếu bị trì hoãn hoặc ngắt quãng việc chủng ngừa, trẻ sẽ lỡ mất cơ hội để được bảo vệ bởi vắc-xin và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này" - BS Quy tư vấn.
Bình luận (0)