xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ramsar trong lòng TP HCM: Độc đáo nhưng thách thức lớn!

Ý Linh

(NLĐO) – Đó là nhận xét của TS Nguyễn Chí Thành – chuyên gia về rừng và đất ngập nước, khi rừng ngập mặn huyện Cần Giờ (TP HCM) được đề cử thành khu Ramsar theo công ước quốc tế.

UBND TP HCM vừa có công văn gửi Bộ Tài Nguyên – Môi trường đề cử rừng Cần Giờ thành khu Ramsar. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi trao đổi với TS Nguyễn Chí Thành – Phó Chủ tịch Hội đất ngập nước Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng và đất ngập nước.

* Phóng viên: Thưa ông, nếu rừng ngập mặn Cần Giờ được công nhận là khu Ramsar thứ 10 của Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi gì trong việc quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây?

- TS Nguyễn Chí Thành: Với kinh nghiệm tham gia lập hồ sơ cho một số khu Ramsar từng được công nhận tại Việt Nam và kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu về rừng Cần Giờ, tôi tin rằng rừng ngập mặn Cần Giờ rất xứng đáng thành khu Ramsar thứ 10 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình từ lúc lập hồ sơ đến khi được công nhận không đơn giản. Ban thư ký Công ước Ramsar làm rất cẩn thận quá trình này.

Ramsar trong lòng TP HCM: Độc đáo nhưng thách thức lớn! - Ảnh 1.

Vừa rồi, UBND TP HCM gửi công văn cho Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất thành lập khu Ramsar. Sau đó Bộ Tài nguyên Môi trường làm việc với văn phòng của Ban thư ký Công ước Ramsar. Nếu họ đồng ý thì mình làm hồ sơ gửi đi. Có thể sau đó họ sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra có đạt các tiêu chí của khu Ramsar không.

Để được công nhận khu Ramsar, địa điểm đó phải đảm bảo 9 tiêu chí. Đây là bộ tiêu chí chung mà các nước có nguyện vọng muốn thành lập khu Ramsar phải tuân theo. Họ sẽ xem xét nhà quản lý, chính quyền ở đây sẽ ứng xử thế nào với khu Ramsar để đạt được các tiêu chí này.

Về bản chất, khu Ramsar là một thương hiệu mang tính toàn cầu. Sau khi công nhận là Ramsar, tổ chức này sẽ công bố trên trang web của Công ước Ramsar. Ở đây, họ sẽ mô tả rất kỹ về khu Ramsar như diện tích, vùng phân bố.... 

Các khu Ramsar được công nhận sẽ trở thành một thành viên trong cộng đồng quốc tế về các khu đất ngập nước quan trọng của thế giới.

Khi được thành lập khu Ramsar thì cần lưu ý Công ước RAM quy định cách tiếp cận gọi là "sử dụng một cách khôn khéo đất ngập nước này". Quan điểm này có nghĩa là được khai thác, sử dụng những cái tài nguyên của hệ sinh thái đất đất nước nhưng không được đánh mất chức năng và giá trị của đất ngập nước.

Đặc biệt, họ quan tâm đến cộng đồng người dân sống ở trong vùng đất ngập nước. Đa phần hệ sinh thái đất ngập nước gắn rất chặt với cộng đồng dân cư. Chẳng hạn ở các khu Ramsar của Việt Nam như Tràm Chim, U Minh Thượng… thì người dân sống xung quanh các khu Ramsar này. Đấy là một cách tiếp cận của Ramsar. Khi muốn thành lập khu Ramsar thì phải suy nghĩ trước mình có làm được như thế không.

Tuy nhiên, có thể thấy Nghị quyết 12 của Thành ủy TP HCM về định hướng phát triển bền vững huyện Cần Giờ có ghi một nhiệm vụ "Xây dựng huyện Cần Giờ thành một mô hình về sử dụng bền vững hệ sinh thái và đa dạng sinh học để nhằm nâng cao sinh kế và thu nhập cho cộng đồng dân cư". Điều này lại đúng hoàn toàn với tiêu chí của Công ước Ramsar.

Công ước Ramsar sẽ cho chúng ta kiến thức để quản lý vùng đất ngập nước được công nhận. Nhưng họ không hỗ trợ kinh phí cho bất kỳ một tổ chức thuộc khu Ramsar nào. Tuy nhiên, sau khi được công nhận khu Ramsar thì khách du lịch tăng nhanh chóng. Chẳng hạn như Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), chỉ 1-2 năm sau khi trở thành khu Ramsar thì khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến đây tăng lên rất nhiều lần và đây dần được biết đến như một khu du lịch.

Trong các hệ sinh thái tự nhiên thì hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng nhạy cảm và sẽ suy thoái rất nhanh nếu mình quản lý không bền vững.

* Chuyên gia ấn tượng với điều gì ở rừng Cần Giờ?

- Bản thân tôi nghiên cứu hệ sinh thái Cần Giờ hơn 30 năm nay. Tôi có hai ấn tượng đối với khu Cần Giờ. Thứ nhất là ấn tượng về sự phục hồi của vùng đất ngập nước bị rải chất độc hoá học trong chiến tranh chống Mỹ. Một vùng đất gần như đã chết lại được sống lại nhờ… sức người.

Từ năm 1978, TP HCM bắt đầu trồng rừng ngập mặn ở Cần Giờ. Đến nay là tròn 45 năm. Là một nhà khoa học nghiên cứu về rừng và đất ngập nước, điều lý thú, ấn tượng nhất với tôi là quá trình phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước này được thực hiện bằng sức người.
Người ta đã bỏ công sức trồng rừng ngập mặn để đến nay rừng Cần Giờ trở thành một vùng đất ngập nước bao la cây cối và hệ sinh thái đất ngập nước được phục hồi. 

Nhờ hệ sinh thái phục hồi, đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước này cũng phục hồi. Từ đó, các cái loài thủy sản ở rừng ngập mặn sinh sôi nảy nở, các loài chim nước bay về, các loài động, thực vật khác cũng phát triển theo… trở thành nguồn sinh kế cho người dân.

Ấn tượng thứ hai, nếu rừng Cần Giờ được công nhận là khu Ramsar thì sẽ trở thành khu Ramsar duy nhất trong 10 khu Ramsar ở Việt Nam nằm trong phạm vi một thành phố.
Tuy nhiên, điều độc đáo này cũng đặt ra thách thức lớn. Đó là chúng ta phải phát triển, bảo vệ, bảo tồn khu Ramsar trong 1 thành phố phát triển năng động như TP HCM như thế nào? Đây là một câu hỏi lớn!

* TP HCM vừa trình Thủ tướng đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ và theo kế hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ được khởi công vào năm 2025. Theo chuyên gia, giữa việc hình thành khu Ramsar Cần Giờ và các đề án trên có tác động lẫn nhau không?

- Nếu nhìn cục bộ, việc cảng trung chuyển hoặc khu đô thị lấn biển sẽ tác động như thế nào đến môi trường hay hệ sinh thái đất ngập nước thì khi lập dự án, đơn vị có chức năng sẽ xem xét, đánh giá. Ở Việt Nam thì đánh giá theo Luật Bảo vệ môi trường, còn gọi là đánh giá tác động môi trường.

Nhưng ở đây, tôi muốn nhìn rộng hơn, nghĩa là khi đã thành khu Ramsar thì giữa bảo tồn và phát triển sẽ có mâu thuẫn.
45 năm vừa qua, TP HCM đã bảo vệ rất tốt khu rừng ngập mặn này. Tôi thấy ít có nơi nào mà bảo vệ được diện tích hơn 32.000 ha rừng tốt như vậy, tất nhiên cũng có các hạn chế do cầu, phà đi lại.
Khi rừng ngập mặn được bảo vệ tốt thì tự nhiên toàn bộ đa dạng sinh học sẽ được bảo vệ rất tốt. Nhưng khi điều kiện đi lại thuận tiện hơn thì cách tiếp cận của con người đến hệ sinh thái sẽ dễ dàng hơn.

Khi xây dựng cảng hay đô thị ở Cần Giờ thì ít nhiều đều có tác động đến môi trường. Cho nên, vấn đề ở đây là các nhà lãnh đạo của TP, của huyện Cần Giờ phải xem xét việc đánh đổi. Đánh đổi giữa lợi ích thu được khi làm các dự án này với khả năng mất mát cho hệ sinh thái như thế nào.

Ở đây, tôi muốn nhắc lại nếu rừng Cần Giờ thành khu Ramsar thì đất là khu Ramsar bị tác động bởi các chế độ thủy văn như nước từ sông ở trong nội địa ra và từ biển vào. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, những suy thoái hay ô nhiễm môi trường nếu có sẽ lan đi rất nhanh theo mạng lưới kênh, mương, rạch, sông.

Vấn đề ở đây là nếu có ô nhiễm dù khách quan hoặc chủ quan hay khi hiệu quả kinh tế kém phát triển, các nhà đầu tư bỏ đi, khách du lịch không đến nữa, nhưng hậu quả suy thoái thì không biết người dân sống ở vùng sẽ phải chịu đựng đến bao giờ. Cho nên, phải hết sức thận trọng khi quyết định những dự án đầu tư phát triển, để mất ít, được nhiều.

Trong 45 năm bảo vệ hệ sinh thái này, TP HCM đã tạo được uy tín, tiếng vang quốc tế lớn. Thế nên, trong bài toán đánh đổi này, tôi hy vọng TP sẽ có một kế hoạch chiến lược về việc quản lý, bảo vệ khu Ramsar Cần Giờ trong tương lai.
Chúng ta cần có chiến lược đối xử với cái vùng đất ngập nước này như thế nào để tránh mâu thuẫn giữa mục đích bảo tồn và mục đích về kinh tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo