xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rừng Cần Giờ dư sức thành Ramsar

Ý LINH

Sau 23 năm rừng Cần Giờ được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam, những người giữ rừng lại nuôi giấc mơ "tấm khiên xanh" che chắn, bảo vệ người dân TP HCM và vùng lân cận trở thành khu Ramsar quốc tế

Ngồi trên ca nô rẽ sóng sông Lòng Tàu đi giữa rừng ngập mặn Cần Giờ, mở ra trước mắt chúng tôi là bạt ngàn mắm, đước cao gần chục mét, thẳng tắp như hai dãy tường thành ôm trọn những bãi bồi. Hít một hơi đầy, lồng ngực chúng tôi căng tràn không khí trong lành, tươi mát. Đây là nơi vừa được UBND TP HCM đề cử thành khu Ramsar quốc tế.

Rừng tự nhiên tái sinh kỳ diệu

"Nếu rừng ngập mặn Cần Giờ thành khu Ramsar, người dân được lợi gì?". Chúng tôi đặt vấn đề với ThS Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên và môi trường - Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

Ông Kiệt hào hứng: "Nhiều lắm! Đơn cử, khi Cần Giờ được bạn bè quốc tế chú ý sẽ góp phần nâng tầm uy tín cho TP HCM, mở rộng quan hệ hợp tác, quản lý có hiệu quả đất ngập nước. Lợi ích dễ thấy hơn là du lịch khai thác cảnh quan thiên nhiên rừng - biển hay buôn bán sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ tăng trưởng mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân".

"Vậy Cần Giờ có gì để hiện thực hóa giấc mơ Ramsar?". "Có 4 tiêu chí" - ông Kiệt khẳng định. Chỉ đôi bờ sông, người cán bộ có 17 năm gắn bó với rừng Cần Giờ này giải thích: "Trong hơn 32.483 ha rừng phòng hộ ở Cần Giờ, khoảng 13.490 ha là rừng tự nhiên được tái sinh sau chiến tranh. Rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên là một trong 4 tiêu chí thành khu Ramsar".

Ông Kiệt cho biết để rừng tự nhiên tái sinh, "công" lớn nhất thuộc về… rừng trồng. Phóng tầm mắt xa xa, ông phân tích: "Tầng cây thấp, mọc dày, màu xanh sẫm, nằm gần rìa sông là rừng tự nhiên. Còn tầng cây cao, nhạt màu hơn, nằm bên trong là rừng trồng. Bằng mắt thường cũng thấy được rừng trồng đã làm cơ sở cho rừng tự nhiên tái sinh".

Tại lễ kỷ niệm 20 năm quản lý, phát triển Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ tổ chức năm 2020, GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, tiết lộ năm 2000, các chuyên gia thế giới không khỏi ngạc nhiên khi thấy rừng Cần Giờ xanh tốt. Họ đã thốt lên: "Đây là rừng ngập mặn khôi phục nhanh và đẹp nhất Đông Nam Á!". Từ một khu rừng đầy chất độc hóa học do địch rải xuống trong những năm chiến tranh, sau mấy mươi năm, sự đa dạng sinh học đã được phục hồi kỳ diệu.

Sự phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn không chỉ hình thành cảnh quan tươi đẹp mà còn tạo ra môi trường sống thuận lợi cho động - thực vật sinh sôi, phát triển. Theo Viện Sinh thái học miền Nam, rừng Cần Giờ hiện ghi nhận 296 loài thực vật và 1.021 loài động vật. Hồ sơ đề cử khu Ramsar còn so sánh hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ phong phú hơn về số lượng loài so với trước chiến tranh hoặc so với các nước Indonesia, Thai Lan, Singapore...

Ông Kiệt cho rằng do có diện tích rừng tự nhiên "khủng" nên Cần Giờ không khó để đạt được tiêu chí tiêu biểu của khu Ramsar. Đó là trở thành nơi trú ngụ, nghỉ chân hằng năm của hơn 20.000 cá thể chim nước bởi nơi đây là "chiếc nôi" nuôi dưỡng, cung cấp tôm cá, hải sản giá trị cao.

Rừng Cần Giờ dư sức thành Ramsar - Ảnh 1.

Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Hoàng Triều

Kỳ vọng từ một loài cây quý hiếm

Minh chứng thêm về việc rừng ngập mặn Cần Giờ đang được bảo tồn tốt - cũng là một tiêu chí Ramsar khác - là chuyện phát hiện cây cóc đỏ tự nhiên. Đây là một loài cây rừng ngập mặn có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên - tài nguyên thiên nhiên (IUCN).

Ông Kiệt cho biết khoảng 100 cây cóc đỏ tự nhiên trưởng thành đã được phát hiện tại rừng Cần Giờ. Sau hơn 30 phút xuôi theo dòng sông Lòng Tàu sang sông Dứa, chúng tôi đã có mặt tại chốt giữ rừng số 3, Phân khu III - khu vực tìm thấy cây cóc đỏ.

Trong căn nhà dựng trên mô đất ngập nước, ông Nguyễn Thành Trung, một trong 158 hộ dân được giao khoán giữ rừng, đón khách bằng nụ cười chân chất. Cách đây 11 năm, mẹ ông hết tuổi lao động nên giao lại rừng cho các con trông coi. Gia đình ông có 4 người, nhận giữ hơn 100 ha rừng với tiền công hơn 1 triệu đồng/ha/năm.

"Năm 2012, khi đến đây dọn đất, phát hiện cánh rừng phía sau có nhiều cây lạ, hoa nở đỏ rực, tôi mê quá nên bứng cây non về trồng. Cây sống đến nay, dáng đẹp như bonsai, ai thấy cũng tấm tắc khen" - ông Trung kể về lần phát hiện cây cóc đỏ. Sau khi biết loài này có nguy cơ tuyệt chủng, ông báo ban quản lý rừng rồi quay lại chỗ phát hiện cóc đỏ, dọn dẹp xung quanh để những cây còn lại phát triển.

Đưa chúng tôi đến cánh rừng nơi những cây cóc đỏ quý hiếm sinh sống, ông Trung rành rẽ: "Chỗ này có gần 20 cây, đều trên chục năm tuổi nhưng thân chỉ to chừng bắp chân người, cao hơn 2 m. Cóc đỏ chắn sóng gió, bảo vệ đê điều, cải tạo đất chua mặn rất tốt; gỗ rất chắc, có nhiều công dụng. Trước năm 2001, chúng bị khai thác gần như tận diệt".

Dưới tán cây cóc đỏ, mặt đất được dọn sạch nhẵn. Cây trưởng thành với số lần kết quả không đếm xuể nhưng dưới tán chỉ mọc được 2 cây non cao chừng 10 cm. Ông Trung băn khoăn về sự "khó tính" của loài cây này: "Theo kinh nghiệm của tôi thì ít khả năng 2 cây non này sống sót. Hạt cóc đỏ không ưa đất quá mặn, cũng không dễ bám bùn. Hễ nước dâng ngập là hạt trôi sạch. Vì khả năng mọc tự nhiên thấp nên cóc đỏ ngày càng hiếm".

Thế nhưng, sự tồn tại của loài cây độc đáo này lại gieo kỳ vọng về khả năng tồn tại của nhiều loại động - thực vật quý hiếm khác ở rừng Cần Giờ.

Rừng Cần Giờ dư sức thành Ramsar - Ảnh 2.

Nhân viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ tuần tra bảo vệ rừng Ảnh: Trầm Hương

Rừng Cần Giờ dư sức thành Ramsar - Ảnh 3.

Cóc đỏ, một loài cây quý hiếm được phát hiện ở rừng Cần Giờ Ảnh: Trầm Hương

Không phải ở rừng mới cần rừng

Ông Trung thật thà thừa nhận mình chưa hiểu biết, hình dung gì về khu Ramsar. "15 tuổi, tôi đã theo mẹ trồng cây, giữ rừng. Dù không rõ Ramsar là gì nhưng tôi tin chắc nếu được công nhận, rừng Cần Giờ sẽ được giữ gìn, phát triển tốt hơn. Sống ở rừng hơn 30 năm nay, tôi biết ở đây có rất nhiều thực vật, động vật quý hiếm. Nếu Cần Giờ thành khu Ramsar, chúng sẽ được bảo vệ hiệu quả, ngày càng sinh sôi, nảy nở" - ông mơ ước.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Phân khu I - Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, không phải ở rừng mới cần rừng. Rừng Cần Giờ vẫn đang lọc không khí, che chở cho hàng chục triệu người dân TP HCM và các địa phương lân cận.

"Chúng tôi thường xuyên tiếp các đoàn du khách, đoàn nghiên cứu cả trong và ngoài nước nên thấy rõ với sự đa dạng, độc đáo về động - thực vật, rừng Cần Giờ không chỉ là "lá phổi xanh" mà có thể được xem là địa điểm lý tưởng để phục vụ việc nghiên cứu khoa học, thậm chí thành khu du lịch trọng điểm, là "di sản sống" vô giá cho thế hệ sau. Nếu được công nhận khu Ramsar, đó không còn là niềm vui riêng của Cần Giờ" - ông Tuấn bày tỏ.

Ông Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cần Giờ, cho rằng khi trở thành khu Ramsar, việc gìn giữ và phát triển rừng ở đây tiếp tục đối diện những thách thức mới. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của hơn 10 triệu dân TP HCM và các địa phương lân cận.

Ông Hưng nêu tín hiệu đáng mừng là từ năm 2021 đến nay, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ở Cần Giờ chỉ còn dưới 10 vụ/năm, không có vụ việc mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

"Trước đây, nạn phá rừng, khai thác sản vật trái phép diễn ra ồ ạt và các đối tượng rất manh động. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ được thực hiện nghiêm, chặt chẽ bởi nhiều lực lượng. Đáng mừng hơn hết là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Nếu rừng Cần Giờ được công nhận khu Ramsar, hy vọng đó sẽ là "những lớp bảo vệ tiến bộ hơn" cho rừng" - ông Hưng nhìn nhận. 

Do có diện tích rừng tự nhiên “khủng” nên rừng ngập mặn Cần Giờ không khó để đạt được tiêu chí tiêu biểu của một khu Ramsar quốc tế.

Chỉ cần 1 tiêu chí

TS Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết để một vùng đất ngập nước được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) thì chỉ cần đáp ứng 1/9 tiêu chí. Trong khi đó, rừng Cần Giờ có khả năng đạt 4 tiêu chí theo công ước.

Trong khi đó, với kinh nghiệm tham gia lập hồ sơ một số khu Ramsar từng được công nhận tại Việt Nam, TS Nguyễn Chí Thành - chuyên gia về rừng và đất ngập nước - cho rằng rừng Cần Giờ rất xứng đáng thành khu Ramsar thứ 10 tại Việt Nam.

Nghị quyết 12/2022 của Thành ủy TP HCM về định hướng phát triển bền vững huyện Cần Giờ nêu rõ: Xây dựng huyện Cần Giờ thành một mô hình về sử dụng bền vững hệ sinh thái và đa dạng sinh học nhằm nâng cao sinh kế và thu nhập cho cộng đồng dân cư. Điều này phù hợp hoàn toàn với tiêu chí Công ước Ramsar.

Ông Thành cho biết nếu được công nhận thì rừng Cần Giờ sẽ thành khu Ramsar đầu tiên ở Việt Nam nằm trong một thành phố. Vấn đề đặt ra là cách thức phát triển, bảo vệ, bảo tồn khu Ramsar trong một thành phố phát triển năng động như TP HCM sẽ như thế nào.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo