Phóng viên: Thưa ông, vì sao một bến xe được đầu tư hiện đại như Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới đưa vào hoạt động gần 2 năm nhưng lượng khách đến bến chỉ đạt vài chục khách một ngày?
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM: Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến hoạt động BXMĐ mới chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Thứ nhất, do hệ thống hạ tầng kết nối quanh bến xe này chưa hoàn chỉnh, trong đó nhiều dự án vẫn đang triển khai và 1-2 năm tới mới hoàn thiện như tuyến metro số 1 (dự kiến cuối năm 2023 mới vận hành), dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội vẫn còn dang dở đoạn đi qua tỉnh Bình Dương hay chưa xây dựng cầu vượt trước bến xe.
Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc đi lại của hành khách sụt giảm. Bên cạnh đó, các hãng hàng không giá rẻ đang phát triển, thu hút một lượng khách đi các tuyến đường dài. Thứ ba, tình trạng xe dù bến cóc chưa xử lý triệt để, vẫn hoạt động trong nội thành, nhất là khu vực từ bến xe cũ đến ngã tư Bình Phước.
Về chủ quan, chủ đầu tư BXMĐ mới là Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đất đai với Sở Tài nguyên – Môi trường, nên chưa thể cho thuê dịch vụ vì chưa được giao đất.
Như ông đã nói, để hoàn thiện hạ tầng kết nối đến bến xe này phải mất 1-2 năm nữa, trong thời gian này, không lẽ chúng ta vẫn chấp nhận tình trạng đìu hiu, lãng phí ?
Các dự án kết nối với BXMĐ mới như kể trên hiện đang được Sở GTVT TP HCM đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dù một số dự án gặp vướng mắc về mặt bằng. Tuy nhiên, chúng tôi không chờ mà đã thực hiện một số giải pháp thực hiện được ngay.
Cụ thể, Sở GTVT TP HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố rà soát, mở mới các tuyến xe buýt từ nội thành đến BXMĐ mới. Hiện nay, đã có 4 tuyến kết nối trực tiếp vào sảnh của BXMĐ mới gồm tuyến 55, 56, 93 và 16. Dự kiến sẽ đưa tiếp các tuyến 150, 601, 602, 603, 604 vào tận sảnh bến xe này và nghiên cứu mở thêm tuyến xe buýt mới lộ trình giữa bến xe cũ và bến xe mới.
Ngoài ra, Vinbus cũng đề xuất mở 2 tuyến xe buýt kết nối từ nội thành đến BXMĐ mới nhưng phải chờ xây dựng các trạm sạc.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Võ Khánh Hưng thông tin
Chúng tôi cũng thông báo rõ, hành khách đi xe buýt sẽ được mang hành lý, hàng hóa lên xe và không quá 10 kg.
Nhiều người cho rằng ngoài những nguyên nhân nêu trên, thực trạng "xe dù bến cóc" cũng góp phần đẩy BXMĐ mới vào cảnh ế ẩm. Vậy, Sở GTVT TP HCM đã có giải pháp gì để dẹp "xe dù bến cóc", thưa ông?
Để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, từ tuần sau, Thanh tra Sở GTVT TP HCM sẽ tăng cường một đội phối hợp cùng CSGT, công an địa phương tuần tra xử lý tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động quanh khu vực bến xe cũ và bến xe mới. Song song đó, tăng cường lắp camera ghi hình "phạt nguội" trên các tuyến đường này.
Liệu lộ trình di dời BXMĐ cũ ra BXMĐ mới có giãn ra như ý kiến của Samco khi chờ tuyến metro số 1 đi vào hoạt động?
BXMĐ cũ hiện nay chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Theo quy hoạch cũ thì có 2 phần, trong đó 6,2 ha của bến xe dành làm bãi đậu xe buýt, 0,7 ha dành cho xe khách liên tỉnh. Thế nhưng, qua rà soát, diện tích thực tế không còn đủ. Sắp tới, Sở GTVT TP HCM sẽ phối hợp với Samco đánh giá lại, cần thiết sẽ đề xuất bổ sung quy hoạch làm bãi lưu đậu cho 1 số tuyến hành khách liên tỉnh có lộ trình đi qua Quốc lộ 13, Quốc lộ 14. Vì các tuyến này nếu dời qua BXMĐ mới sẽ đi vòng một đoạn khá xa, hành khách và nhà xe khó chấp nhận.
Tuy nhiên, theo tôi không nhất thiết phải chờ đến khi tuyến metro số 1 vận hành mới di dời toàn bộ các tuyến qua bến mới. Việc di dời phụ thuộc tiến độ giải quyết các vướng mắc của chủ đầu tư như hoàn tất pháp lý đất đai, có cơ chế cho thuê mặt bằng trong bến…
Tôi cũng khẳng định hiện nay, nhà xe đã di dời ra bến mới không được đón rước khách ở bến cũ, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Riêng hành khách, Sở GTVT TP HCM khuyến cáo vào bến đón xe nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi cũng như tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Bình luận (0)