Theo đó, các chuyên gia sẽ nuôi, chăm sóc muỗi bằng quy trình đặc biệt, sau đó đem thả ra tự nhiên để muỗi nhiễm vị khuẩn Wolbachia có thể sống, phát triển và nhân lên thay thế đàn muỗi tự nhiên trong cộng đồng nhằm ngừa sốt xuất huyết.
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP HCM, thông tin về dự án nuôi muỗi Wolbachia
+ Phóng viên: Sốt xuất huyết là bệnh thường niên. Tuy nhiên, dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng thời gian qua, số ca sốt xuất huyết và biến chứng nặng tăng, xin bác sĩ lý giải điều này?
- Thạc sỹ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP HCM: Ở khu vực phía Nam khí hậu nóng ẩm, mưa quanh năm, cộng thêm các dụng cụ chứa nước rất phong phú, đa dạng khó dẹp bỏ. Đây là điều kiện để muỗi tồn tại phát triển sinh sôi. Do đó, sốt xuất huyết ở miền Nam là bệnh quanh năm, hết năm này qua năm khác.
Đặc biệt là sau 2 năm bị Covid-19, lúc đó chúng ta thực hiện giãn cách xã hội, người dân ở đâu ở yên đó khiến muỗi ko có cơ hội phát tán. Hiện tại, cuộc sống trở lại bình thường, việc giao lưu đi lại là cơ hội để muỗi phát tán nhiều hơn. Bên cạnh đó, 2 năm sốt xuất huyết yên ắng số người chưa mắc tích lũy rất cao. Từ cuối năm, chúng tôi đã dự báo sốt xuất có thể gia tăng nếu không can thiệp kịp thời là bùng dịch.
Thông điệp của phòng chống sốt xuất huyết hiện không thay đổi. Thứ nhất là nếu có sốt hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất, đồng thời lắng nghe dặn dò của bác sĩ để theo dõi. Thứ 2 là mỗi ngày dành 10 phút dọn dẹp dụng cụ chứa nước để không có lăng quăng, khi không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết.
+ Viện Pasteur TP HCM đang triển khai dự án nuôi muỗi Wolbachia. Dự án này được triển khai như thế nào?
Đã có vắc-xin ngừa sốt xuất huyết
Theo BS Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP HCM đã phối hợp với một công ty để ngiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết. Dự án đã kết thúc, kết quả cho thấy sốt xuất huyết có thể ngừa bằng vắc-xin. Hiệu quả của vắc-xin có thể ngừa được sốt xuất huyết ở trên những người đã từng mắc.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia đã cấp phép cho vắc-xin này và cũng yêu cầu người tiêm vắc-xin phải chắn chắn mình đã từng nhiễm bệnh bằng cách đưa ra kết quả xét nghiệm trước đó hoặc xét nghiệm kháng thể để xem mình có từng mắc sốt xuất huyết hay không.
Ngoài vắc-xin này còn có 1 vắc-xin khác đã được nghiên cứu xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và đang đợi công bố cấp phép lưu hành.
Việc lưu hành vắc-xin sốt xuất huyết ở Việt Nam như thế nào còn phụ thuộc vào kế hoạch và lộ trình của công ty.
- Phương pháp này là sử dụng vi khuẩn Wolbachia, đây là vi khuẩn tự nhiên, sống và nhiễm ở trên 60% các loại côn trùng trong tự nhiên. Muỗi vằn nhiễm Wolbachia có hiệu quả không ngờ là ức chế sự phát triển của 1 số virus trong đó có virus Dengue gây sốt xuất huyết. Con muỗi mang Wolbachia có virus Dengue gây sốt xuất huyết cũng không lây qua người. Như vậy, người từ nơi khác di chuyển đến vùng mang muỗi Wolbachia cũng có virus Dengue gây sốt xuất huyết cũng không lây cho cộng đồng được. Bên cạnh đó, thả muỗi Wolbachia ra cộng đồng là làm cho muỗi vằn khác nhiễm Wolbachia thông qua giao phối. Sau 1 thời gian, đàn muỗi tự nhiên trong cộng đồng đều mang Wolbachia thì sẽ ngừa được sốt xuất huyết.
Muỗi này không phải muỗi biến đổi gen, mà như muỗi bình thường, chúng tôi bắt muỗi tự nhiên tại nơi dự định áp dụng biện pháp này và cho giao phối với muỗi Việt Nam mang Wolbachia có sẵn. Như vậy, muỗi thả ra chính là muỗi địa phương có mang Wolbachia. Con muỗi này phải khỏe như mỗi địa phương để nó có thể cạnh tranh được với muỗi địa phương.
Hiện chúng tôi đã thả muỗi mang Wolbachia được 7 tuần tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Thủ Dầu Một (Bình Dương). Liệu trình kéo dài 5 tháng và thả hàng tuần tại các điểm mà chúng tôi đã định sẵn. Mục tiêu chính của dự án là muỗi mang Wolbachia có thể sống phát triển và nhân lên thay thế đàn muỗi tự nhiên trong cộng đồng. Bên cạnh đó, đàn muỗi mang Wolbachia có thể ngừa được sốt xuất huyết. Phải xong liệu trình thả muỗi mới đáng giá được kết quả này.
Trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia thả muỗi này. Ví dụ Úc là nơi thả muỗi đầu tiên từ hơn 10 năm trước và đến giờ muỗi thả vẫn duy trì và không có ca sốt xuất huyết nội tại. Còn tại Indonesia, sốt xuất huyết giảm 70% so tại những nơi thả muỗi Wolbachia với những nơi không thả.
Còn tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu và thả ở Vĩnh Lương, Nha Trang (Khánh Hòa). Sau 2-3 năm ngưng thả muỗi, giờ đến đây bắt lại thì ghi nhận muỗi Wolbachia chiếm ưu thế.
Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy đây là phương pháp mới, tiềm năng có hiệu quả trong việc phòng chống sốt xuất huyết.
+ Hiện sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp trong khi các biện pháp căn cơ như vắc-xin, nuôi muỗi vẫn còn phải chờ, vậy người dân cần làm gì lúc này để phòng ngừa?
- Để đưa vắc-xin vào sản xuất đại trà thì mất thời gian dài, còn nuôi muỗi thì đang trong thời gian nghiên cứu, cũng mất thời gian, ít nhất phải mất 5 tháng. Do đó, người dân vẫn phải phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách diệt lăng quăng. Chúng ta chỉ cần dọn dẹp các dụng cụ chứa nước, cái gì ngửa lên thì úp xuống. Ở nông thôn thì các dụng cụ chứa nước cần đậy kín hoặc thả cá nhỏ để nuôi. 1 tuần bỏ 10 phút với góp sức nhỏ của cả cộng đồng sẽ thành góp sức lớn để phòng bệnh.
Bình luận (0)