Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), xung quanh thông tin cho rằng chích vắc-xin ngừa cúm và phế cầu có thể giúp ngăn ngừa Covid-19 rộ lên gần đây.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích về tác động của vắc-xin cúm và phế cầu trên bệnh nhân Covid-19
Phóng viên: Bác sĩ có thể giải thích thêm về vắc-xin ngừa cúm và phế cầu cũng như thực hư xung quanh tác dụng của 2 loại vắc-xin này lên bệnh nhân Covid-19?
Vắc-xin ngừa cúm và vắc-xin ngừa phế cầu là những vắc-xin rất kinh điển mà người ta đã sử dụng cho người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh nền... từ lâu rồi. Những vắc-xin này không thể thay thế cho vắc-xin Covid-19 được, nhưng nếu tiêm ngừa những vắc-xin đó, đặc biệt là người lớn tuổi, nếu không may mắc Covid-19 thì khả năng bội nhiễm phế cầu và khả năng bội nhiễm cúm sẽ giảm xuống rất nhiều. Do đó các vắc-xin này chỉ có vai trò là chống bội nhiễm phế cầu và cúm khi mắc bệnh Covid-19 thôi, chứ không thể ngừa được bệnh Covid-19.
Vậy có nghĩa là một bệnh nhân đang mắc Covid-19 vẫn có khả năng mắc thêm phế cầu hoặc cúm và làm tình trạng nặng thêm?
Đúng. Nếu không may mắc Covid-19, rơi vào giai đoạn miễn dịch đang kém, thì bệnh nhân có thể bị phế cầu và virus cúm tấn công. Hiện tượng này không riêng gì ở bệnh Covid-19 mà gặp ở rất nhiều bệnh lý nhiễm trùng hô hấp khác.
Đợt này người dân đi tiêm ngừa cúm và phế cầu nhiều như vậy là do quá sợ hãi Covid-19. Tuy nhiên, nếu đi tiêm thì cần sắp xếp thời gian, không nên ùn ùn đi vì như vậy lại dễ lây Covid-19. Còn việc tiêm ngừa cúm và phế cầu là việc nên làm từ lâu rồi.
Như vậy, cho dù không có dịch Covid-19, mọi người vẫn nên tiêm ngừa cúm và phế cầu? Riêng đối với phế cầu, ông có thể giải thích rõ hơn về vi khuẩn này và nguy cơ từ nó?
Đúng rồi, đây là những vắc-xin nên chích, đặc biệt là ở người lớn tuổi, người có bệnh nền. Phế cầu là một vi khuẩn thường trú trong vùng hầu họng của con người. Nó có rất nhiều týp khác nhau và là một trong những nguyên nhân có thể gây ra viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Và đặc biệt là nó rất kháng thuốc (kháng kháng sinh). Trẻ nhỏ hoặc người lớn có bệnh nền sau khi bị cúm hay bị bệnh đường hô hấp khác rất có khả năng bị thêm vi khuẩn phế cầu này tấn công.
Bình luận (0)