Từ tháng 8-2022 đến nay, số ca bệnh nhiễm Adenovirus nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng đột biến. Đến nay, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn tổng số ca bệnh cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm virus này.
PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô Hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) nói về Adenovirus
Đáng chú ý, trong tuần từ ngày 5-9 đến 11-9, tại đây đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
- Phóng viên: Thưa PGS Lê Thị Hồng Hanh, tại sao số ca nhiễm và tử vong do Adenovirus lại tăng mạnh trong thời gian qua? Có mối liên quan nào giữa Covid-19 và Adenovirus?
+ PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô Hấp Bệnh viện Nhi Trung ương: Hiện chưa có các đánh giá về sự tương quan giữa nhiễm Covid-19 và Adenovirus vì trước khi có dịch Covid-19, chúng tôi vẫn gặp những trường hợp viêm phổi do virus Andeno đến khám và điều trị.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy số ca mắc virus Adeno có tăng ở những nơi có dịch (như dịch sởi, dịch cúm…) bởi khi bệnh nhân mắc các virus khác, nó sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ của đường hô hấp nên dễ nhiễm Adenovirus. Trong khi đó, Việt Nam vừa trải qua dịch Covid-19 và dịch cúm A nên tỉ lệ mắc viêm phổi do Adenovirus tăng cũng là phù hợp.
- Ai là đối tượng dễ nhiễm Adenovirus. Bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng không thưa PGS?
+ Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông. Virus lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh cũng có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Adenovirrus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: Hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi
Ai cũng có thể là đối tượng cảm nhiễm của Adenovirus. Nguy cơ mỗi cá thể mắc Adenovirus rồi trở thành nguồn nhiễm mới, kể cả nguồn nhiễm không có triệu chứng. Với trẻ em, độ tuổi mắc bệnh thường gặp từ 6 tháng đến 5 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương những trường hợp tử vong được ghi nhận đều là trẻ có cơ địa đặc biệt như suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch…
Điều trị bệnh nhân nhiễm Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương
- Làm thế nào để phát hiện, dự phòng và điều trị bệnh do Adenovirus hiệu quả, thưa PGS?
+ Triệu chứng của bệnh do Adenovirus dễ nhầm lẫn với những virus gây viêm đường hô hấp khác. Trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa; nặng thì bị khó thở.
Người nhiễm Adenovirus cần được nhập viện, cách ly tại phòng riêng để tránh lây nhiễm sang trẻ khác. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ hô hấp (thở ôxy hoặc thở máy) khi cần; dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi. Trẻ mắc bệnh sẽ được điều trị các triệu chứng bằng cách: Hạ sốt khi sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch. Thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân.
Hiện bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh nên để dự phòng trẻ nhiễm Adenovirus, cha mẹ cần: Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi; chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát; không để trẻ nhiễm lạnh.
Ngoài ra, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý. Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh; rửa tay thường xuyên; tiêm đầy đủ các vắc-xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xin cám ơn PGS Lê Thị Hồng Hanh!
Bình luận (0)