BS chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, bên cạnh áp dụng các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe nói chung, bệnh tai mũi họng nói riêng.
Rước họa vì lạm dụng thuốc
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Phạm Ngọc P. (45 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) được chẩn đoán là viêm mũi vì sử dụng thuốc không phù hợp. Do người bệnh thường xuyên bị nghẹt mũi nên đã tự mua thuốc nhỏ mũi tại hiệu thuốc, thời gian dùng kéo dài mà không chú ý đến liều lượng thuốc khiến các tổ chức niêm mạc bị phù nề và thoái hóa, làm bít tắc hốc mũi. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật để cắt đi khối niêm mạc thừa trong mũi, tái thông khí vùng hốc mũi. Quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân P. phải mất khá nhiều thời gian.
TS-BS Lý Xuân Quang, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết các nhóm thuốc kháng viêm được sử dụng trong điều trị các bệnh lý tai mũi họng gồm các loại như: nhóm thuốc Corticoid, nhóm NSAIDs, nhóm thuốc kháng viêm dạng men. Tác dụng của thuốc kháng viêm là hạn chế sự tập trung của các tế bào viêm và các chất gây viêm nơi tổn thương, hạn chế sự hình thành các mô hạt viêm hay mô sẹo trong quá trình lành thương.
BS Lý Xuân Quang khám bệnh lý về tai mũi họng cho người bệnh
Ngoài sử dụng các loại thuốc uống hay tiêm với các bệnh lý tai mũi họng, các loại thuốc tác dụng tại chỗ cũng được dùng như thuốc xịt, xông, bôi... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong điều trị nói chung đều tuân thủ theo nguyên tắc: đúng thuốc, đúng đường sử dụng, đúng liều lượng và đúng thời gian. Tai mũi họng là những vùng có niêm mạc rất nhạy cảm, vì vậy khi sử dụng các thuốc tại chỗ cần phải thận trọng.
Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Các bác sĩ đều phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ của thuốc khi kê toa. Đối với người bệnh là trẻ em thì càng cần phải đặc biệt lưu ý về liều lượng sử dụng thuốc, không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Theo BS Trần Thị Thúy Hằng, trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh về tai mũi họng hơn cả, thường mắc các bệnh viêm mũi, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, viêm VA, amidan trong mùa khô lạnh hoặc lúc thời tiết giao mùa.
"Người dân nên vệ sinh, xịt rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày, thực hiện lối sống và ăn uống, vận động khoa học. Vệ sinh tai đúng cách, không nên lấy ráy tai ở các tiệm gội đầu nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ các dụng cụ lấy ráy tai không được vệ sinh, tiệt trùng. Giữ ấm mũi, miệng, họng trong mùa lạnh. Hạn chế uống nước đá để phòng ngừa nguy cơ viêm họng. Đi khám tai mũi họng định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý hoặc tầm soát ung thư vòm họng…" - BS Hằng khuyên.
Khu vực đặc thù
BS Lý Xuân Quang lưu ý tai mũi họng là khu vực đặc thù trên cơ thể, hỗ trợ con người thích ứng với môi trường xung quanh. Các bệnh lý tai mũi họng thường gặp gồm các bệnh lý về họng thanh quản (viêm họng, viêm amidan...), mũi xoang và tai giữa. Có rất nhiều triệu chứng bệnh lý tai mũi họng thường gặp như ngạt mũi, chảy mũi, đau họng, đau tai, ù tai, nghe kém, khàn tiếng, khó nuốt... Các triệu chứng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau.
Trong đó, viêm mũi dị ứng là bệnh phổ biến nhất. Triệu chứng của bệnh lý này thường là chảy nước mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, mất ngủ... Nguyên nhân là do sự thiếu thích ứng cũng như sự nhạy cảm của cơ thể đối với môi trường xung quanh. Viêm mũi dị ứng có 2 loại là viêm mũi dị ứng từng đợt và viêm mũi dị ứng dai dẳng. Tùy theo mức độ bệnh mà cuộc sống của người bệnh sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.
Viêm tai giữa cũng là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ dưới 15 tuổi. Nguyên nhân vì trẻ em ở độ tuổi này thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên nên dễ dẫn đến bệnh viêm tai giữa. Hơn nữa, trẻ vẫn đang phát triển về các chức năng vùng tai mũi họng, đặc biệt là vùng vòi nhĩ liên quan đến tai giữa và hoạt động của hầu họng.
Theo BS Lý Xuân Quang, trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi cũng thường mắc bệnh lý viêm VA (là tổ chức mô nằm sau mũi thuộc vùng mũi họng, tham gia tạo kháng thể cho cơ thể, hoạt động mạnh trước 6 tuổi). Khi VA hoạt động quá mức sẽ gây ra tình trạng viêm, tắc nghẽn ở mũi và tai giữa, khiến trẻ nghẹt mũi, khó thở và dẫn đến các bệnh lý khác như viêm mũi xoang, viêm tai giữa.
"Phần lớn các bệnh lý tai mũi họng thường được chẩn đoán bằng việc thăm khám thông thường, khai thác bệnh sử hoặc nội soi mũi họng. Tuy nhiên, có một số trường hợp cần chẩn đoán chuyên sâu, sử dụng đến các phương tiện xét nghiệm máu, nước bọt; nội soi, siêu âm đầu cổ… để đánh giá mức độ bệnh và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp" - BS Quang thông tin.
Không chủ quan với dịch bệnh
BS chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng mặc dù các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Lãnh đạo sở yêu cầu hệ thống y tế dự phòng không được chủ quan, cần chủ dộng các kế hoạch, phương án thông tin tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đón đầu mùa mưa sắp tới dịch bệnh nguy cơ gia tăng, đặc biệt khi trường học hoạt động trở lại...
Bình luận (0)