Sau thông tin bé gái 9 tuổi tại Đắk Lắk tử vong do vi khuẩn "ăn thịt người"- Whitemore, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết người dân không cần quá hoảng sợ, lo lắng bởi bệnh có thể phòng ngừa.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, vì sao Whitemore được gọi là vi khuẩn "ăn thịt người"?
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM): Thực chất tên vi khuẩn ăn thịt người trên thế giới xác định thường là do liên cầu nhóm A gây tán huyết, hủy hoại cơ. Còn bệnh Whitemore hay một số vi khuẩn gây hoại tử, tổn thương bộ phận trên cơ thể người ta gọi chung là vi khuẩn ăn thịt người.
Tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là vùng dịch tễ của bệnh Whitmore. Trước đây, chỉ tập trung ở Đông Nam Á và Úc, nhưng hiện tại do biến động dân cư người ta di chuyển đến nước này, nước kia nên có xu hướng bệnh xuất hiện ở toàn thế giới, chỗ nào cũng có thể bắt gặp.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thông tin
Phóng viên: Nguyên nhân gây bệnh và biểu hiện bệnh như thế nào thưa bác sĩ?
+ Đây là loại vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhiễm trùng, xâm nhập vào đâu nhiễm trùng ở đó. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào nhiều con đường qua vết trầy xước trên da bởi vi khuẩn nằm sẵn trong đất, cát, những nơi có nước bẩn. Đặc biệt vào mùa mưa sẽ gia tăng tỷ lệ bệnh. Ví dụ, lũ lụt nước sẽ lôi kéo vi khuẩn lan tràn nhiều hơn nên mùa mưa phát nhiều hơn. Nó có thể xâm nhập vào các vết tổn thương trên da như vết trầy xước hoặc nằm ở trong cát, đất gió mạnh cuốn lên không khí mình hít phải sẽ xâm nhập vào phổi gây viêm phổi. Nó xâm nhập chỗ nào dẫn đến triệu chứng bệnh ở đó.
Biểu hiện lâm sàng có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận, tổn thương ở đâu sẽ có triệu chứng lâm sàng tương ứng. Ví dụ, vào phổi sẽ gây ho, sốt, khó thở. Trong trường hợp vào hệ thần kinh sẽ gây viêm màng não, áp xe não, đau đầu nhiều, sốt. Nếu vào cơ gây áp xe cơ, mưng mủ, nổi đỏ… Như vậy, có nhiều biểu hiện lâm sàng.
Bệnh này không giống như các loại bệnh khác bởi loại vi khuẩn này tiếp xúc ở đâu gây bệnh ở đó. Vì có nhiều biểu hiện lâm sàng nên khó mà chẩn đoán xác định được bằng khám bình thường mà phải cấy ra vi khuẩn này mới có chẩn đoán chính xác được.
Phóng viên: Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh, thưa bác sĩ?
Những người dễ bị là nông dân, người tiếp xúc nhiều với nước như nông dân trồng lúa, nuôi tôm, cá, những người hay làm việc ở môi trường rừng, núi… Để phòng ngừa bệnh, những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao khi làm việc cần có đồ bảo hộ như đi ủng, tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Bên cạnh đó, nếu xuất hiện vết trầy xước trên da cần phải băng bó, tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh trên.
Phóng viên: Tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và điều trị bệnh này ra sao, thưa bác sĩ?
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 năm tiếp nhận từ 80-100 ca bệnh Whitemore do các địa phương chuyển đến với nhiều tình trạng khác nhau. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tại bệnh viện tiếp nhận khoảng 5-6 ca. Thông thường, các bệnh nhân chuyển đến khi đã mắc bệnh khoảng 5-6 ngày.
Đây là bệnh do vi khuẩn gây ra nên có kháng sinh điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, quan trọng là người bệnh đến sớm thì điều trị hiệu quả, dứt cơn được nhưng nếu đến trễ khiến bệnh lan tràn cơ thể gây tổn thương nhiều cơ quan sẽ rất khó điều trị, lúc này tỷ lệ tử vong cao.
Do Việt Nam nằm trong dịch tễ của bệnh này nên khi bác sĩ thăm khám bước đầu ghi nhận các ổ áp xe, nhiễm trùng chưa nghi ngờ được nguyên nhân thì cần phải nghĩ tới nó để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
Bình luận (0)