Chiều 23-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đã có những chia sẻ về các trận động đất xảy ra liên tiếp trong buổi chiều cùng ngày tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum); trong đó có trận động đất lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực miền Trung, gây rung lắc mạnh mà người dân ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cũng cảm nhận được.
Phóng viên: Ông có đánh giá ra sao về các trận động đất này, trong đó có trận động đất mạnh 4,7 Richter được xem là lớn nhất tại khu vực miền Trung từ trước tới nay?
- TS Nguyễn Xuân Anh: Viện đang lắp đặt thêm các mạng trạm (trạm quan trắc động đất – PV), đang chuẩn bị triển khai công việc trong đó và đang đề xuất thực hiện đề tài để làm rõ nguyên nhân ở khu vực đấy. Bước đầu, chúng tôi xác định đây là động đất kích thích. Tuy nhiên, để làm rõ tất cả các việc thì mình phải tiến hành nghiên cứu và cần phải thực hiện trong thời gian sớm nhất.
TS Nguyễn Xuân Anh
- Động đất 4,7 độ Richter có thể gây nguy hiểm ra sao, thưa ông?
Về cơ bản, động đất có độ lớn 4,7 Richter có thể gây rung lắc, các nhà yếu thì có thể bị ảnh hưởng. Cần phải tìm hiểu từ địa phương xem trận động đất này có gây thiệt hại gì hay không, vì các nhà yếu thì có thể bị ảnh hưởng. 4,7 độ Richter thì vẫn là động đất chưa lớn, chưa phải ở mức trung bình.
- Thời gian qua, tại tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra các trận động đất, điều này có liên quan đến các thủy điện ở địa bàn?
Bước đầu xác định đây là động đất kích thích, có liên quan đến các thủy điện nhưng phải nghiên cứu mới rõ được. Viện Vật lý địa cầu muốn thực hiện đề tài như vậy để làm rõ.
Xin cảm ơn ông!
Chiều 23-8, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 5 trận động đất liên tiếp. Cụ thể, lúc 14 giờ 8 phút ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 4.7 Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Tiếp đến, vào lúc 14 giờ 11 phút 36 giây ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 3.6 Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Bản đồ chấn tiêu trận động đất mạnh 4,7 Richter
Đến 15 giờ 2 phút chiều 23-8, một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Lúc 15 giờ 27 phút 53 giây ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.808 độ vĩ Bắc, 108.235 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Lúc 16 giờ 15 phút 3 giây ngày 23-8, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận trận động đất thứ năm có độ lớn 3.0 Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.785 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Các trận động đất đều xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Thời điểm xảy ra động đất, người dân ở hầu khắp các địa phương tại Quảng Nam như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, thậm chí ở TP Đà Nẵng cũng cảm nhận rất rõ. Trên Facebook, người dân đăng ngập tràn thông tin về trận động đất cùng những cảm xúc lo lắng, bất ngờ.
Thời gian qua, tại huyện Nam Trà My và tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra các trận động đất liên quan đến các thủy điện trên địa bàn. Tại Quảng Nam, trận động đất lớn nhất mạnh 4,6 độ Richter được ghi nhận vào năm 2012, gần khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My).
Bình luận (0)