Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất trình Thủ tướng điều chỉnh thời gian thực hiện dự án "Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam đến năm 2030". Đây là dự án đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2022 và đang trong giai đoạn đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB).
Trả lại hình hài dòng sông độc đáo
Dự án "Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam" có tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng, trong đó vốn vay của WB hơn 1.800 tỉ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ khắc phục tình trạng bồi lắng, ô nhiễm môi trường, hồi sinh Trường Giang - dòng sông có nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử.
Trường Giang là con sông đặc biệt khi không có thượng lưu, hạ nguồn. Sông không chảy từ khu vực rừng núi ra biển mà chảy ngang, song song với bờ biển Quảng Nam. Dài khoảng 70 km, đầu phía Nam của Trường Giang đổ ra biển tại Cửa Lở, huyện Núi Thành; đầu phía Bắc đổ ra biển tại Cửa Đại, huyện Duy Xuyên; ở giữa là huyện Thăng Bình và TP Tam Kỳ.
Trường Giang nằm song song và cách biển không quá xa. Đoạn phía Nam sông này nằm cách bờ biển khoảng 2 km trở lại, đoạn phía Bắc khoảng cách rộng hơn, đoạn lớn nhất cách bờ biển khoảng 7 km.
Vào mùa nắng, dòng chảy Trường Giang phụ thuộc thủy triều lên xuống. Khi thủy triều lên, nước đổ vào các cửa và chảy theo hai chiều đối nghịch. Dòng nước trên mấy chục cây số sông phía Bắc chảy theo hướng Nam, mấy chục cây số phía Nam chảy theo hướng Bắc. Khi thủy triều xuống, quãng sông phía Nam chảy theo hướng Nam ra Cửa Lở và An Hòa; quãng sông phía Bắc chảy theo hướng Bắc ra Cửa Đại. Riêng quãng Trường Giang ở huyện Thăng Bình nằm chính giữa dòng sông thì nước "dùng dằng" cả hai hướng.
Nằm ở vị trí như trục dọc của xương sống, nhiều thế kỷ qua, Trường Giang giữ vai trò huyết mạch giao thông của xứ Quảng. Trong quá khứ, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, Trường Giang trở thành nơi thông thương của cả trăm ngôi chợ và các điểm buôn bán ven các sông xứ Quảng.
Trường Giang xưa là thế nhưng giờ đây lại mang một "số phận hẩm hiu". Lòng sông đã bị chia cắt bởi nhiều ao nuôi trồng thủy sản và sự xuất hiện tự phát của các công cụ đánh bắt thủy sản. Hệ lụy là luồng lạch bị thu hẹp, tàu thuyền không thể đi lại dễ dàng. Hiện nay, nhiều đoạn sông bị bồi lấp rất nghiêm trọng, có đoạn chỉ rộng khoảng 2 - 3 m. Nhiều đoạn không còn hình hài của một dòng sông khi được chia ô nuôi tôm như mặt ruộng.
Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng nguồn nước Trường Giang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Những năm gần đây, làn sóng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát tại các xã vùng Đông của huyện Thăng Bình và Núi Thành đã làm suy giảm chất lượng nước mặt sông. Nhiều khu vực, nước phủ màu rêu do sự đóng cục của tảo. Đoạn qua huyện Thăng Bình và Núi Thành, nước thải từ ao nuôi tôm lót bạt được bơm trực tiếp ra Trường Giang. Chưa kể, nước thải sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân hai bên bờ cũng đổ thẳng xuống sông mà không qua xử lý khiến nguồn nước bị "đầu độc".
Kết quả thu thập và phân tích mẫu nước mặt vào một số thời điểm tại Trường Giang của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho thấy do ảnh hưởng chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất khác của người dân ven sông xả thẳng xuống sông nên nhiều thông số quan trắc vượt quy chuẩn cho phép.
Thực hiện bài bản, khoa học
Ông Trần Cảnh Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đang cùng các địa phương trong vùng dự án "Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam" chuẩn bị các điều kiện để khởi công vào tháng 9-2025.
Theo ông Hà, dự án sẽ tiến hành nạo vét luồng đường thủy nội địa Trường Giang với tổng chiều dài khoảng 60 km, bảo đảm khai thác hiệu quả đối với tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn. Bên cạnh đó, dự án sẽ thực hiện 6 cây cầu bắc qua Trường Giang, xây dựng kè tại các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ. Cùng với đó là các công trình "trị thủy" cho TP Tam Kỳ.
Mục tiêu dự án là tăng cường kết nối, loại bỏ trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm, khu dân cư và khu du lịch ven biển; tạo ra hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Dự án này góp phần cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa; tăng cường tiêu thoát lũ lưu vực Trường Giang; phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển kinh tế trong khu vực; giảm nhẹ sự ô nhiễm, suy thoái môi trường do thiên nhiên và con người tác động…
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, thông tin trong quá trình triển khai dự án, nhà tài trợ đã tiến hành thẩm định hết sức chặt chẽ, đánh giá toàn diện các chính sách an toàn về môi trường, xã hội, tái định cư. Trong đó, WB lưu ý ưu tiên các giải pháp thích ứng với môi trường, như triển khai xây dựng kè mềm, tạo hành lang xanh, bảo đảm không gian sống cho người dân…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là dự án hết sức ý nghĩa đối với địa phương, mở ra cơ hội phát triển cho tỉnh; khắc phục được tình trạng ngập lụt ở các vùng Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ; giúp kết nối liên vùng 2 bên Trường Giang... Ông Lê Văn Dũng lưu ý trong quá trình triển khai dự án, việc phục hồi hệ sinh thái cho Trường Giang phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Ông yêu cầu khoanh định khu vực trồng dừa nước, cói, bần, mắm... và cây trồng bản địa phù hợp với đặc trưng sinh thái, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống sạt lở vừa tạo ra điểm nhấn, cảnh quan để phát triển du lịch…
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Theo các nghiên cứu khoa học, Trường Giang có sự đa dạng về hệ sinh thái, mang đặc trưng của vùng sông nước miền Trung. Trường Giang đã tạo sinh kế cho hàng ngàn người dân sống ven sông bao đời nay.
Hiện nay, ngoài một số khu vực có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước, nhiều nơi trên sông Trường Giang vẫn giữ được rừng dừa nước xanh bạt ngàn. Nhiều chỗ có lòng sông rộng, chưa bị tác động lớn của con người. Dòng sông này có đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đến nay, dọc Trường Giang đã hình thành làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) hay Khu Du lịch sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ)...
Bình luận (0)