Khu vực sản xuất 2 loại lúa khẩu xiên lăm và briết (gạo màu đen) của HTX Giảm nghèo Ea Súp nằm ở các xã biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, đất đai khô cằn. Trước đây, người dân sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, sản phẩm phụ thuộc vào thị trường. HTX Giảm nghèo Ea Súp được thành lập đã tạo ra sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, làm nên thương hiệu lúa gạo đặc sản cho địa phương.
Tận dụng lợi thế
Vốn là cán bộ ngành nông nghiệp ở huyện biên giới nghèo Ea Súp, anh Nguyễn Việt Đức luôn trăn trở trước đời sống của nông dân nơi đây. Đầu năm 2019, anh quyết định thành lập HTX Giảm nghèo Ea Súp với mục đích tiếp nối các hoạt động trong Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - dự án tác động tích cực đến tư duy sản xuất giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
"HTX Giảm nghèo Ea Súp quyết định đi theo mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, đặc sản. HTX định hình phát triển một nền nông nghiệp xanh, hòa hợp với thiên nhiên, gắn kết nông dân cùng thực hiện việc giảm nghèo và làm giàu bền vững" - anh Đức nhấn mạnh.
Ông Hà Văn Tân (ngụ thôn 11, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) là người dân tộc Thái di cư từ tỉnh Thanh Hóa vào Ea Súp gần 30 năm trước. Theo ông, đất đai ở đây nhiều nhưng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thuận lợi cùng với việc sản xuất lúa theo tập quán nên thu nhập không cao. Từ năm 2019, với sự hỗ trợ của HTX Giảm nghèo Ea Súp, ông tiên phong đầu tư sản xuất giống lúa đặc sản, truyền thống của địa phương là khẩu xiên lăm và briết. Hiện nay, gia đình ông có tổng cộng 9 ha lúa, chủ yếu trồng 2 giống đặc sản này.
Ông Tân cho biết 2 giống lúa này có sức đề kháng cao nên chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng khi canh tác nhằm tạo ra gạo sạch, giảm chi phí đầu tư. "So với các giống lúa thông thường, khi không sử dụng phân hóa học thì năng suất 2 giống lúa đặc sản này thấp hơn. Tuy nhiên, do sản xuất theo quy trình sạch, chất lượng cao nên giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra được HTX Giảm nghèo Ea Súp bao tiêu hết nên không phải lo lắng được mùa mất giá" - ông Tân phấn khởi.
Anh Nguyễn Việt Đức nhớ lại khi bắt đầu sản xuất và kinh doanh nông sản, HTX Giảm nghèo Ea Súp chưa có kinh nghiệm nên anh và cộng sự ngày đêm suy nghĩ con đường của riêng mình. Họ đã nghiên cứu những giống lúa đặc sản của địa phương phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Ea Súp, đó là khẩu xiên lăm và briết. Lúa khẩu xiên lăm được đồng bào người Thái gieo trồng xưa nay nhưng diện tích canh tác nhỏ lẻ. Đây là giống lúa trồng trên cạn, chịu hạn tốt, sống nhờ nước trời. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là loại lúa khẩu xiên lăm đã thoái hóa do canh tác nhiều năm; mặt khác, người dân chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc, duy trì bảo tồn giống nên năng suất, chất lượng giảm.
Tăng thêm giá trị, mở rộng thị trường
Ngoài khẩu xiên lăm, HTX Giảm nghèo Ea Súp còn phát triển giống lúa briết (tên gọi của người Ê Đê bản địa). Gạo briết có vị nhẫn đắng pha ngọt dịu, khác biệt với các loại gạo đen trên thị trường và có giá trị dinh dưỡng cao: giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, các chất chống ôxy hóa.
"Hiện nay, không dễ dàng mua được gạo briết trên thị trường vì loại gạo đen này được người dân châu Á quan tâm đặc biệt và xu hướng tiêu thụ ngày càng cao ở châu Âu, Bắc Mỹ" - anh Đức tự tin.
Định vị sản phẩm ngay từ buổi đầu thành lập theo hướng hữu cơ, HTX Giảm nghèo Ea Súp hiện sản xuất lúa gạo theo TCVN 11041:2017. Lúa sau khi thu hoạch được xay xát qua máy liên hoàn tự động, cho ra những hạt gạo đen thô và được chọn lọc qua công nghệ tách màu hạt hiện đại. Gạo được đóng gói hút chân không để nấu thành cơm luôn dẻo, thơm ngon như mới.
"Gạo không đánh bóng, không sử dụng chất bảo quản để có thể mang đến nguồn dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng" - anh Đức khẳng định.
Sau 4 năm hoạt động, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã liên kết chặt chẽ với các hộ dân và tham gia phong trào phát triển kinh tế tập thể. Sau khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, tháng 4-2023, sản phẩm bún, phở Briết đã ra đời nhằm tăng giá trị hạt gạo, được trao chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm").
"Sản phẩm gạo, bún, phở Briết đang được quảng bá, tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử và mô hình bán hàng đa kênh. Từ đó, giúp nâng cao việc nhận diện thương hiệu sản phẩm, quảng bá hạt gạo quý này ra thị trường trong và ngoài nước" - Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp kỳ vọng.
Sau thời gian ngắn phát triển thương hiệu, năm 2021, lúa gạo Briết của HTX Giảm nghèo Ea Súp đã được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk và Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX Giảm nghèo Ea Súp tiếp tục phối hợp, liên kết sản xuất, chế biến gạo đặc sản với 2 HTX khác.
HTX Giảm nghèo Ea Súp cũng đang tham gia chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Khoa học - Công nghệ, với nội dung sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ Nhật Bản JAS Organic.
Bình luận (0)