"Con vui quên lối về"
Sáng 30-3, tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức), hơn 800 học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình đã tham gia Ngày hội giáo dục STEM năm học 2023-2024 với chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo".
Có mặt ở trường từ sáng sớm, Hoàng Trọng Phú, học sinh lớp 7/4, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức), hào hứng nói: "Con biết được nguyên lý hoạt động của xe đua, giờ con cũng có thể chế tạo được luôn, không khó khăn như lúc đầu con nghĩ. Sau hôm nay con sẽ nhờ ba mẹ mua các nguyên vật liệu để chế tạo ra hai chiếc cho em trai cùng chơi".
Ở một gian hàng khác, được tận mắt chứng kiến quy trình và trực tiếp được vận hành robot vận chuyển hàng hóa, em Huỳnh Minh Tuấn, Trường Tiểu học Tạ Uyên (TP Thủ Đức), chia sẻ: "Con vui không muốn về, tưởng mệt mà không ngờ lại được chơi với các mô hình, thiết bị công nghệ thú vị đến vậy".
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết TP Thủ Đức hiện có 107 và 100% các trường TH, THCS công lập và ngoài công lập đã thực hiện giảng dạy STEM với 65 câu lạc bộ STEM, 103.619 học sinh học và sinh hoạt STEM.
Ngày hội là sự kiện nằm trong "Kế hoạch phát triển giáo dục năm học 2023-2024 của thành phố Thủ Đức", nhằm thực hiện Đề án "Giáo dục thông minh và học tập suốt đời" giai đoạn 2022-2015, tầm nhìn đến 2030 của thành phố, thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 của ngành GD-ĐT TP.
Thông qua các hoạt động của ngày hội, những hoạt động trình diễn và triển lãm có liên quan đến các lĩnh vực STEM. Với 28 gian hàng, các em học sinh sẽ được tham gia, trải nghiệm những trò chơi và thử thách khoa học, trình diễn robot và thiết bị công nghệ cao, các trình diễn thực tế ảo, ….
"Cùng với 2 hội thảo chuyên môn về AI, hi vọng rằng ngày hội STEM năm nay sẽ đem đến cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, các em học sinh nhiều cơ hội để khám phá những đề tài mới về khoa học kỹ thuật, tìm hiểu về những chủ đề quan tâm và giao lưu với các chuyên gia để hiểu thêm về giá trị của STEM đối với việc đổi mới phương pháp dạy học..." - ông Nguyên thông tin.
Cấm cản sử dụng AI là đi ngược xu thế phát triển
Cô Lê Hoàng Ngọc Trân, giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), nhận định các môn toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật thoạt nhìn có vẻ khô khan nhưng nếu học sinh biết tổng hợp và vận dụng kiến thức sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, giúp các em cảm thấy yêu thích hơn các môn học.
"Dạy học trên lớp nếu chỉ chăm chăm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho học sinh mà bỏ qua việc tìm tòi, nghiên cứu sẽ khiến lý thuyết xa rời thực tiễn. Thay vào đó, giáo viên cần khơi gợi sáng tạo cho học sinh, giúp các em phát triển các ý tưởng thành sản phẩm thực tế, từ đó giúp học sinh tự tin, năng động hơn trong học tập" - cô Ngọc Trân cho biết.
TS Ngô Quốc Hưng, CEO Trung tâm đào tạo tài năng AI CoTAI cũng là giáo viên giảng dạy về AI tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), nhận định trong lĩnh vực GD-ĐT, các công cụ AI trả lời tốt hầu hết mọi câu hỏi về các nội dung giảng dạy như: tóm tắt ý chính, tổng hợp thông tin, báo cáo trình bày rõ đẹp; sáng tạo nội dung: viết văn, làm thơ, sinh ảnh, tạo quiz; lập trình, giải Toán, giảng từng bước cho người học; chấm điểm, sửa lỗi, thiết kế bài giảng....
Vì vậy, cách tốt nhất, nhanh nhất để nhà trường và học sinh hiểu đúng về AI là sớm bắt đầu học và khai thác sử dụng thực tế, theo một lộ trình bài bản. "Việc chần chừ, cấm cản và hạn chế sử dụng AI là giải pháp kém hiệu quả, đi ngược xu thế phát triển, gây thiệt thòi và bỏ lỡ cơ hội của học sinh. Ngược lại cần khẩn trương khuyến khích và tạo sân chơi bổ ích cho các em" - ông Hưng khẳng định.
Theo chuyên gia này, giáo viên là người cần giúp định hướng việc sử dụng AI của học sinh để tránh những sai lầm và lạm dụng; ứng dụng AI vào tổ chức lớp học để giảm tải, tạo trải nghiệm hứng khởi và hiệu quả, hướng đến thực học... Nhà trường nên sớm bắt đầu tuyển dụng giáo viên có năng lực sử dụng các công cụ AI, bên cạnh chính sách khuyến khích nâng cấp năng lực về AI cho giáo viên cơ hữu. Đồng thời nhà trường và giáo viên cần tăng cường triển khai các hình thức kiểm tra đánh giá sự hiểu bài của học sinh như hỏi đáp trực tiếp, giải thích, làm dự án nhỏ.
Bình luận (0)