Ông là người tiên phong trong xu hướng xây dựng thành phố xanh tiếp cận rộng mở với thiên nhiên.
Ngay từ năm 1932, ông đã cảnh báo: "Đất xây dựng vẫn xuất hiện ngay cả khi bạn không đầu tư vào chúng nhưng không gian công cộng chắc chắn sẽ biến mất nếu bạn không quan tâm".
Dĩ nhiên, không phải ý tưởng nào của ông Schumacher cũng "sống sót" qua thế chiến thứ hai, khi những quả bom cày xới Hamburg và quá trình tái thiết sau đó. Thế nhưng, sơ đồ "phát triển tự nhiên của cơ thể Hamburg" của ông đã dẫn dắt thành phố này theo con đường "xanh" hơn nhiều so với các thành phố lân cận. Được kết nối bởi một loạt trục và vành đai xanh, các khu bảo tồn thiên nhiên chiếm gần 10% diện tích Hamburg.
Nhưng ngay cả Hamburg cũng gặp khó khăn trước cơn lốc đô thị hóa "lấp đất trồng cây". Vì vậy, vào năm 2018, các nhóm bảo tồn đã kiến nghị tăng cường bảo vệ không gian xanh sau khi ông Olaf Scholz, thị trưởng Hamburg khi đó và về sau là thủ tướng Đức, cam kết xây dựng 10.000 căn hộ mỗi năm tại thành phố cảng đắt đỏ này.
Lời kêu gọi nhận được 23.000 chữ ký ủng hộ và dẫn đến một giải pháp khá "Đức" - một hợp đồng. Trong hợp đồng ký với người dân, chính quyền thành phố cam kết bảo vệ 30% diện tích đất của Hamburg, bao gồm 10% là khu bảo tồn thiên nhiên "cứng" không thể động vào và 20% được bảo tồn "mềm" hơn.
Ngoài ra, Hamburg phải bảo đảm tăng tỉ lệ mảng xanh công cộng theo thời gian. Hợp đồng cũng bao gồm điều khoản yêu cầu các công trình xây dựng gây hại đến thiên nhiên ở nơi này phải bù đắp ở nơi khác trong thành phố. Cách làm này được đánh giá là "công cụ lớn", vừa tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu nhà ở vừa giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường.
Kế hoạch trên đã thành công. Báo cáo vào tháng 7 năm ngoái cho thấy giá trị sinh cảnh - chỉ số Hamburg dùng để đo lường chất lượng thiên nhiên - tăng lên so với năm 2019 nhờ các nỗ lực cải thiện đồng cỏ, tái tạo đất than bùn và áp dụng các biện pháp bảo tồn thân thiện. Ngoài ra, hầm trú ẩn khổng lồ từ thế chiến thứ hai tại khu phố nghèo St Pauli trong nội thành vừa được cải tạo thành trung tâm giải trí với 23.000 cây trồng trên phần mái.
Nhiều người dân Hamburg đã tình nguyện đến chăm sóc các công viên trên khắp thành phố, bao gồm gieo hạt, quét lá, trồng cây bụi... Bà Luisa Schubert, người điều hành một dự án sinh thái thực hành với 160 người tham gia, cho rằng điều họ nhận lại được là sự kết nối mạnh mẽ hơn với thiên nhiên. "Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường, khí hậu và đa dạng sinh học hiện nay, cảm giác làm được một điều gì đó dù chỉ nhỏ thôi cũng rất quan trọng" - bà Schubert bày tỏ.
Bình luận (0)