Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là 2 lĩnh vực mà Hàn Quốc đi trước và có nhiều kinh nghiệm. Trong khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Hàn Quốc 2024" do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức tại Bình Dương vừa qua, phiên thảo luận "Hợp tác phát triển nông nghiệp xanh" đã diễn ra, chủ yếu xoay quanh Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Nâng tầm giá trị nông nghiệp xanh
Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 2 cực khác nhau của ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp để phát triển nông nghiệp xanh. Một mặt doanh nghiệp đang ứng dụng các tiến bộ mới nhất nhưng mặt khác nông dân hiện vẫn còn thu nhập thấp. "Giữa 2 cực của câu chuyện này có khoảng cách rất lớn, do đó cơ quan quản lý trung ương lẫn địa phương, đặc biệt là những cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về phát triển nông nghiệp xanh, có trách nhiệm rất lớn nhằm giúp giới thiệu, biến những thành tựu khoa học - công nghệ thành những sản phẩm có giá thành hợp lý, tiếp cận nông dân.
Nêu thực tế tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hòe, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết phát triển nông nghiệp xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ từ nay đến năm 2045. Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu gắn với tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo hướng phát triển xanh, bền vững và tích hợp đa giá trị, sản xuất theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn, thách thức như quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ còn chiếm tỉ trọng cao nên việc vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp xanh gặp không ít khó khăn. Mặt khác, nông dân còn hạn chế về kiến thức canh tác theo định hướng nông nghiệp xanh cũng như kỹ năng áp dụng công nghệ mới, điều này gây khó khăn trong việc chuyển đổi kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo hướng xanh hơn.
Nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh cũng là một rào cản lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòe, việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh đòi hỏi chi phí đầu tư cao cho việc đào tạo, mua sắm thiết bị và công nghệ mới cũng như thay đổi phương pháp canh tác; việc phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp xanh và thiết lập chuỗi cung ứng hiệu quả là một thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp xanh…
Hướng đến giảm thải carbon
Từ những thách thức trên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong muốn Hàn Quốc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; phối hợp xây dựng trung tâm nghiên cứu của hai bên để nghiên cứu giống cây trồng phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng của hai nước; quan tâm triển khai mô hình nông nghiệp xanh của Hàn Quốc trên địa bàn TP Cần Thơ để sử dụng được công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc ngay tại địa phương; hợp tác xây dựng quỹ để hỗ trợ chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.
Ông Lee Byunghwa - Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) - cho rằng cần có quá trình để đi đến thành công. Trước tiên là chia sẻ các kinh nghiệm với nhau, tiếp đến là phát triển công cụ tính toán lượng khí thải ra bao nhiêu, trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị, tìm những giải pháp công nghệ tiên tiến. Đối với những dự án mới chủ yếu tập trung ở ĐBSCL, KOICA tập trung hỗ trợ chuỗi giá trị tuần hoàn xanh để tăng giá trị nông nghiệp, tiếp tục cân nhắc vấn đề biến đổi khí hậu, thu nhập của người dân tăng lên.
Theo ông Lee Byunghwa, trước đó KOICA đã thực hiện thành công chương trình phát triển nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang. Nhờ dự án, thu nhập bình quân của người dân nơi đây đã tăng lên 2,35 lần. Đó là nhờ có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia Hàn Quốc về phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phía Hàn Quốc cũng đã kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản của nông dân.
Ông Hong Ki Ok - Tùy viên nông nghiệp, thực phẩm và nông thôn thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam - dẫn câu chuyện đã triển khai tại xứ sở kim chi, đó là biện pháp tăng cao nhất hiệu suất sử dụng năng lượng và công nghệ, tăng sản xuất và phân phối, giảm thải CO2 từ phân.
Theo ông Hong Ki Ok, Hàn Quốc còn phát triển than sinh học bón cho đồng ruộng vì than này lưu trữ được nhiều carbon trong đất, giúp giữ dinh dưỡng và nước trong đất; giảm hiệu ứng khí nhà kính từ phân gia súc; các biện pháp để làm sạch phân gia súc, tăng năng lượng tái tạo.
"Nếu những doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực này được đầu tư sang Việt Nam thì sẽ có những đóng góp và hỗ trợ cho nông nghiệp xanh tại đây" - ông Hong Ki Ok bày tỏ.
Ông Jongsoo Shin - Giám đốc châu Á, Viện Nghiên cứu gạo quốc tế - cho rằng trong các lĩnh vực nông nghiệp, khả năng giảm khí thải carbon đến 70% trong canh tác lúa là dễ thực hiện nhất.
Ông Jongsoo Shin nhìn nhận cần có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp nên chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.
Nhiều điểm cần tháo gỡ
Tại phiên thảo luận, các diễn giả cho rằng Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm cần được tháo gỡ, như chưa có các quy hoạch về sản xuất hữu cơ hay chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ "made in Vietnam", đa phần việc chứng nhận đều phải thuê các tổ chức nước ngoài với mức phí cao; nông nghiệp vẫn hoạt động dựa trên nền tảng quy mô nhỏ lẻ; người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệm phân biệt giữa sản phẩm được sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác; nguồn nhân lực tinh thông trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế so với nhu cầu; chưa có các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá...
Bình luận (0)