Việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là điều bắt buộc để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới mà còn nhằm bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị nông sản.
Năm 2024 là một năm bứt phá của ngành nông nghiệp nước ta: Giá trị sản xuất tăng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trên 18% so với năm 2023. Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hướng tới mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 thì còn nhiều vấn đề phải bàn.
Hàng loạt thách thức
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh ĐBSCL, đã cho biết như trên tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero năm 2050", do UBND TP Cần Thơ phối hợp với VCCI và một số đơn vị tổ chức mới đây.
Theo ông Lam, một số vấn đề cần tập trung tìm cách giải quyết: ĐBSCL chịu ảnh hướng rất lớn về biến đổi khí hậu; các lĩnh vực có giá trị kim ngạch lớn như tôm, cá, lúa gạo vẫn còn khâu chọn giống chưa tốt; làm sao để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản; làm sao để giảm phát thải tốt nhất...
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, thông tin ngành nông nghiệp dù được xác định là trụ cột của nền kinh tế nhưng lại chiếm hơn 30% tổng phát thải khí nhà kính cả nước, nhất là từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón hóa học và đốt rơm rạ. "Chỉ riêng sản xuất lúa nước đã chiếm 46% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Đây là thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển mình, trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu" - ông nhận xét.
Theo bà Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, việc sản xuất nông nghiệp xanh để tiến đến Net Zero đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện với những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên tùy thuộc đặc thù mỗi quốc gia. Đến nay, hơn 190 nước đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 hoặc 2060.
Bà Định cho hay tại Việt Nam, nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện để hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học vào mô hình canh tác lúa theo hướng phát triển bền vững, như: "3 giảm 3 tăng"; "1 phải 5 giảm", tiết kiệm nước, tái sử dụng các phụ phẩm trong chuỗi giá trị lúa gạo…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận: "Chúng ta đối mặt nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp (DN), nhà khoa học và người dân là yếu tố then chốt".
Không thể đứng ngoài cuộc
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành nông nghiệp của địa phương đã tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh bằng nhiều mô hình và việc làm cụ thể.
"Chúng tôi đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả các phụ phẩm; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học... Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải" - ông Yên cho biết.
Cần Thơ đang tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải và tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, việc khuyến khích nông dân và DN tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ được xem là giải pháp đột phá.
Ông Tô Thái Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh, nhận định người tiêu dùng trên thế giới đang có xu hướng chuyển sang sản phẩm mang tính thân thiện với môi trường, gia tăng nhu cầu về sản phẩm hữu cơ. Ngay cả người tiêu dùng Việt Nam cũng có xu hướng chuyển sang sử dụng sản phẩm được canh tác theo phương pháp hữu cơ.
Do đó, các DN chế biến cần quan tâm vấn đề này. DN cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng ở những nơi muốn nhắm đến; qua đó nghiên cứu tạo ra sản phẩm phù hợp. Có như vậy mới tăng được giá trị cho nông sản Việt Nam.
Theo ông Thành, nguồn nguyên liệu chế biến bảo đảm an toàn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng, mà vai trò chính là nông dân. Vì vậy, nông dân cần phải thay đổi ý thức canh tác. Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn, không những ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ nông sản xuất khẩu bị trả lại, gây tổn thất về kinh tế, làm tổn hại uy tín DN nói riêng và đất nước nói chung.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt sản xuất phải "xanh, sạch, ít phát thải", ngành nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường thế giới mà còn nhằm bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Tập trung nguồn vốn vào tín dụng xanh
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, kiến nghị cần có chính sách cho vay nhanh chóng, thuận lợi khi thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, thực hiện mục tiêu tín dụng xanh, phát thải thấp thì nhu cầu vốn cần huy động là 144 tỉ USD, riêng đề án nêu trên cần 2,7 tỉ USD. Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất quyết liệt, tập trung nguồn vốn đúng nhu cầu, hướng vào tín dụng xanh.
Bình luận (0)