Thực hành ký họa kiến trúc
Kiến trúc được xếp vào một trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều nhân lực nhất, trong đó tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ước tính nhu cầu lên đến 3.800 người/năm trong giai đoạn 2020-2025. Tỉ lệ kiến trúc sư ra trường có việc làm tốt và thành đạt sau 5-7 năm luôn cao hơn so với các ngành khác trong cơ cấu việc làm cả nước.
Nền tảng đào tạo thực hành
Bên cạnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 cũng mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo tăng trưởng mạnh việc làm trong các lĩnh vực xây dựng - kiến trúc, công nghiệp thực phẩm, du lịch... Đây cũng là những ngành mũi nhọn tại Trường ĐH Đông Á, đã và đang cung cấp một lượng lớn nhân lực chất lượng cho nhu cầu phát triển của TP Đà Nẵng và khu vực.
PGS-TS Đỗ Tú Lan, Trưởng Khoa Kiến trúc Trường ĐH Đông Á, cho biết để kịp lộ trình cải tiến chương trình đào tạo thực hành toàn diện như các ngành khác nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực sẵn sàng làm việc ngay khi ra trường và có khả năng hội nhập quốc tế cao, khoa đã tích cực đầu tư các trang thiết bị thực hành hiện đại ngành kiến trúc gồm các xưởng thi công, xưởng mô hình, thư viện vật liệu... bên cạnh phòng thực hành tin học, ngoại ngữ đa phương tiện và thư viện điện tử...
Nhà trường cũng chuẩn bị đội ngũ giáo viên 100% trải nghiệm cao, trong đó có 1 phó giáo sư, 2 tiến sĩ giàu kinh nghiệm về lĩnh vực kiến trúc và các giảng huấn được đào tạo từ nước ngoài, bảo đảm môi trường học tập tốt nhất theo phương pháp tư duy mô hình, tư duy thao tác cho sinh viên (SV) ngành kiến trúc.
Năm học này, trường chỉ tuyển 2 lớp, mỗi lớp 30 SV nhằm tăng tính tương tác, chủ động của SV trong các giờ lý thuyết cũng như cơ hội thao tác trực tiếp trên mô hình và các phần mềm thiết kế kiến trúc trên nền tảng 3D.
Nhiều cơ hội thực hành, làm việc trong nước, quốc tế
Ngoài việc được thụ hưởng định hướng chương trình đào tạo thực hành cao với thời lượng 50% lý thuyết, 50% thực hành ngay từ năm học đầu tiên, SV ngành kiến trúc Trường ĐH Đông Á còn được nhà trường nối kết mạng lưới doanh nghiệp (DN) liên kết rộng lớn, đem đến những giờ học ngoại khóa đầy bổ ích cùng các chuyên gia, kiến trúc sư uy tín và cơ hội thực hành nghề nghiệp trực tiếp tại DN 3 học kỳ, từ đó cơ hội được ưu tiên tuyển dụng dành cho SV kiến trúc cũng rộng mở hơn ngay khi ra trường.
Bên cạnh mục tiêu chuyên môn nghề nghiệp gắn với việc làm tại DN, SV kiến trúc được tăng cường kỹ năng tin học, nâng cao khả năng viết và giao tiếp tiếng Anh để hội nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế, đặc biệt là kỹ năng quan sát và thuyết phục khách hàng. Chương trình còn được thiết kế với các chuyên đề đặc thù, các chương trình ngoại khóa nhằm phát triển tư duy về hình khối, không gian và sự cảm nhận chất liệu, giúp SV chuyển hóa kiến thức thành kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các ký kết hợp tác quốc tế, các chương trình trao đổi SV thường xuyên cũng tăng cơ hội được chia sẻ học thuật, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp trong môi trường quốc tế cho SV theo học ngành kiến trúc. Mới đây, Trường ĐH Đông Á và Học viện Taiken (Nhật Bản) vừa đạt được thỏa thuận mỗi năm tiếp nhận từ 20-30 SV ngành xây dựng - kiến trúc thực tập hưởng lương 1 năm tại Nhật. Trước đó, Tập đoàn Route-Inn (Nhật Bản) cũng ký kết tuyển dụng SV xây dựng - kiến trúc Trường ĐH Đông Á vào làm việc trong hệ thống khách sạn tại miền Trung và Nhật.
Năm 2016, ngành kiến trúc ĐH Đông Á tuyển sinh theo 2 phương thức
- Xét tuyển theo học bạ THPT với điểm trung bình chung các môn lớp 12 từ 6 trở lên và đạt điểm thi vẽ mỹ thuật.
- Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia với điểm tổ hợp môn (trong đó điểm môn vẽ hệ số 2) và điểm ưu tiên từ 18 điểm trở lên.
Trường tổ chức 2 đợt thi vẽ mỹ thuật gồm: đợt 1: ngày 12-8, đợt 2: ngày 20-8. Thí sinh có thể dùng kết quả môn vẽ mỹ thuật hoặc vẽ hình họa tại các trường ĐH có tổ chức thi để xét tuyển vào trường.
Bình luận (0)