Ông Paul Edmonds, 68 tuổi, từng gây chú ý vào năm ngoái khi chia sẻ câu chuyện của mình. Sau 5 năm được điều trị bằng tế bào gốc, ông hiện vẫn không có bất kỳ dấu vết nào của HIV lẫn ung thư máu.
Theo thông tin mới nhất từ đội ngũ y tế chăm sóc ông - được đăng trên tạp chí y khoa uy tín New England Journal of Medicine (Anh), các bác sĩ ở Bệnh viện City of Hope tại bang California - Mỹ cho biết ông đã chính thức khỏi bệnh ung thư và cần thêm 2 năm để được chính thức tuyên bố khỏi HIV.
Hành trình điều trị của ông Edmonds bắt đầu khi ông bị chẩn đoán mắc AIDS vào năm 1988, thời điểm mà mắc virus HIV thường bị xem là án tử đối với bệnh nhân.
Dù vậy, ông vẫn kiên cường và sống hạnh phúc cùng bạn đời đồng giới. Đến năm 2018, ông tiếp tục đón nhận tin dữ khi bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nghiêm trọng.
Ông được điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc, bao gồm việc thay thế tế bào gốc bị tổn thương do hóa trị bằng những tế bào khỏe mạnh từ người hiến tặng có gien đột biến kháng HIV.
Tế bào gốc là những tế bào đặc biệt của con người, có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau như tế bào cơ hay tế bào não.
Ông Edmonds là một trong năm người duy nhất chiến thắng cả hai căn bệnh hiểm nghèo nêu trên và là người lớn tuổi nhất làm được điều này.
"Tôi vô cùng biết ơn… Tôi không thể nào trả hết công ơn của họ" - ông Edmonds nói về đội ngũ y tế chăm sóc ông tại Bệnh viện City of Hope ở California.
Ông Edmonds được điều trị HIV bằng thuốc kháng virus HIV từ năm 1997, phương pháp vốn chỉ có thể ức chế lượng virus xuống mức "không thể phát hiện được".
Liệu pháp này không thể chữa khỏi hoàn toàn HIV nên virus luôn hiện diện ở các tế bào miễn dịch trong máu của ông. Điều này đồng nghĩa nếu ngừng dùng thuốc, virus sẽ lại nhân lên và sẽ lại được phát hiện trong máu.
Vào tháng 11-2018, ông Edmonds bắt đầu hóa trị. Ông cần 3 đợt để thuyên giảm ung thư và đạt được điều này vào giữa tháng 1-2019.
Sau đó 1 tháng, ông Edmonds được ghép tế bào gốc từ người hiến tặng.
Các tế bào gốc mà ông được cung cấp có 2 bản sao của CCR5 delta-3, đột biến gien giúp con người kháng lại HIV. Chỉ 1-2% dân số thế giới có đột biến gien này.
HIV sử dụng thụ thể CCR5 để xâm nhập và tấn công hệ miễn dịch, nhưng đột biến CCR5 ngăn chặn virus xâm nhập theo cách này.
Tủy xương và tế bào gốc tạo máu của ông Edmond thay đổi hoàn toàn sau ca cấy ghép sử dụng tế bào gốc từ người hiến tặng.
Sau khi được cấy ghép tế bào gốc có đột biến gen kháng HIV, ông không còn bất cứ dấu hiệu nào về ung thư máu hay HIV.
Vào tháng 3-2021, ông Edmonds bắt đầu ngừng dùng thuốc điều trị HIV và được kiểm tra mỗi tuần một lần để đảm bảo virus không quay lại. Mỗi lần như vậy các bác sĩ đều không phát hiện virus HIV.
Bình luận (0)