Như vậy, Google Fit sẽ trở thành đối thủ trực tiếp cho bộ công cụ sức khỏe mang tên Healthkit mà Apple vừa công bố gần đây cho nền di động iOS 8. Nguồn tin của Forbes cho biết Google Fit sẽ trở thành một trung tâm dữ liệu, cho phép các tiện ích, dịch vụ sức khỏe cũng như các thiết bị đeo trên người được chia sẻ thông tin với nhau, trong đó có các loại dữ liệu như nhịp tim, bước chạy... Chưa rõ liệu Google Fit sẽ tồn tại dưới dạng một bộ công cụ lập trình tích hợp trong nền di động Android hay là một tiện ích riêng biệt.
Cuộc cạnh tranh gay gắt
Cuộc cạnh tranh giữa các hãng công nghệ trên lãnh vực theo dõi sức khỏe đang ngày càng trở nên nóng bỏng. Hồi tháng 5-2014, hãng công nghệ Hàn Quốc Samsung cũng đã tung ra một nền tảng dữ liệu sức khỏe mang tên Sami, phục vụ cho các thiết bị đồng hồ thông minh và smartphone của họ. Trong khi đó, Microsoft cũng có dịch vụ mang tên HealthVault, ra mắt năm 2010 và có thể sẽ phục vụ cho smartwatch đang được phát triển của hãng này.
Tuy nhiên, việc phát triển các nền tảng thông tin sức khỏe như thế không đơn giản. Các hãng công nghệ phải cố gắng chiều lòng người dùng cũng như đối phó với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân - vốn luôn là mối lo ngại hàng đầu của xu hướng công nghệ này.
Theo dõi sức khỏe của người dùng đang là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt của các hãng công nghệ. Trong tương lai không xa, bạn có thể đo huyết áp, nhịp tim, đường huyết… chỉ bằng một thiết bị đeo trên người.
Trước kia, Google đã từng thất bại với một nền tảng tương tự mang tên Google Health, đóng cửa năm 2012 do không có nhu cầu. Tuy nhiên ngày nay, các thiết bị đeo trên người đang trở thành một cách thức mới để các hãng công nghệ mở rộng thể loại thiết bị của họ. Rất có thể Google Fit sẽ được tận dụng cho nền tảng dành cho thiết bị đeo trên người mang tên Google Wear và sẽ xuất hiện trên nhiều thiết bị smartwatch được ra mắt tại Google I/O lần này.
Giới công nghệ còn nhớ khi Steve Jobs, cựu CEO của Apple, công bố mẫu iPhone đầu tiên với màn hình cảm ứng vào năm 2007, ông cũng đã giới thiệu cho cả thế giới một loại “ngôn ngữ” tương tác với máy tính mới: Cử chỉ trên màn hình cảm ứng. Những cử chỉ như kéo qua màn hình (Swipe) để lật trang, thu nhỏ và phóng to ảnh bằng cách co kéo khoảng cách ngón trỏ và ngón cái… đã nhanh chóng trở nên phổ biến trên các thiết bị di động với màn hình cảm ứng. Bảy năm sau đó, một hãng công nghệ mới thành lập mang tên Qeexo có tham vọng sẽ định nghĩa lại “ngôn ngữ” cử chỉ mà Steve Jobs từng đề cập.
Công nghệ FingerSense
Với vốn đầu tư 2,3 triệu USD, công ty nhỏ có trụ sở tại San Jose, California - Mỹ đã phát triển một công nghệ mới mang tên FingerSense, có khả năng nhận biết được sự khác biệt khi ngón tay, khớp ngón tay, móng tay hay một bút cảm ứng chạm vào màn hình. Như thế, người dùng có thể giảm thiểu nhiều bước tương tác chỉ còn một bước. CEO của công ty này cho biết: “Giống như có nhiều nút khác nhau trên bàn tay bạn”. Các thao tác đòi hỏi người dùng phải đi qua nhiều công đoạn như cắt, dán, sẽ chỉ còn bước duy nhất - tương tự cách thao tác bằng chuột và bàn phím trên máy tính.
Công nghệ FingerSense sử dụng cảm ứng các rung động khác nhau để có thể phân biệt được các phần của bàn tay khi chúng chạm vào màn hình. Công nghệ này không chỉ có thể được ứng dụng cho màn hình của các thiết bị di động mà còn có thể ứng dụng cho các thiết bị khác như trong xe hơi, nơi chuyển động của tay khá hạn chế. Thậm chí, FingerSense cũng có thể được tích hợp vào Walls, một thiết bị cho phép người dùng đặt thiết bị di động của mình xuống bàn và có thể điều khiển, gõ bàn phím trên mặt bàn đó. Với cảm biến phát triển hơn, FingerSense còn có thể hoạt động ngay trên da người, biến bề mặt này thành một bề mặt tương tác.
Tuy nhiên, công việc của hãng Qeexo sẽ phải gặp đến nhiều trở ngại lớn. Trở ngại đầu tiên là thuyết phục các hãng công nghệ lớn như Apple và Samsung sử dụng công nghệ FingerSense cho các thiết bị của họ. Việc khó hơn nữa là buộc các hãng sử dụng FingerSense thống nhất cho một hệ thống tương tác duy nhất, nghĩa là một cử chỉ chạm trên một thiết bị này phải giống với cử chỉ tương tự trên một thiết bị khác.
Đáng sợ hơn cả cho Qeexo, đó là khi các hãng công nghệ tìm ra các giải pháp khác tương tự FingerSense. Tuy nhiên, công nghệ của Qeexo hiện vẫn có rất nhiều triển vọng. Nó có thể sẽ tạo nên cả một “ngôn ngữ” mới để tương tác với máy tính trong tương lai.
Bình luận (0)