Ông Vitaly Kamluk, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của đội nghiên cứu và phân tích toàn cầu Kapersky công bố các số liệu thống kê tại APAC 2016. Ảnh: Chánh Trung.
Sáng 7-10, tại hội nghị bảo mật Châu Á - Thái Bình Dương - APAC 2016 ở Bali - Indonesia, hãng bảo mật Kaspersky đã công bố cụ thể các số liệu về an toàn thông tin mạng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. Theo đó, từ tháng 7 đến tháng 9-2016, Kaspersky đã tiến hành thống kê về an toàn thông tin mạng tại một số quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Inonesia, Malaysia, Singapore, Philippines để có cái nhìn toàn cảnh về tình hình bảo mật an toàn thông tin hiện nay.
Theo thống kê này, có 49% người dùng tại Châu Á - Thái Bình Dương bị tấn công vào hệ thống mạng nội bộ, tấn công qua các thiết bị lưu trữ di động; 17% người dùng bị tấn công qua các trang web trên mạng internet. Đáng chú ý, thống kê của Kaspersky chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về các vụ tấn công vào mạng công nghệ thông tin trong nước với tỷ lệ các vụ tấn công được phát hiện là 64%. Xếp sau Việt Nam là Philippines và Ấn Độ với tỉ lệ lần lượt là 58% và 55%.
Về các vụ tấn công vào các website trên mạng internet thì Trung Quốc đang đứng đầu với tỷ lệ là 24%, Việt Nam xếp thứ 2 với 23%, sau đó là Ấn Độ với 18,5% và Indonesia cũng với 18,5%. Một điểm đáng chú ý nữa là dù không công bố số liệu chi tiết song Kaspersky cho biết hiện Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ về số vụ tấn công do mã độc tống tiền (Ransomware) gây ra. Số lượng các vụ tấn công do Ransomware tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 7 đến tháng 8-2016 đã tăng hơn 114% so với hồi tháng 2 đến tháng 3-2016.
Theo Kaspersky, số vụ tấn công ngày càng nhiều cho thấy tình trạng mất an toàn thông tin mạng tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng như tại Việt Nam đang ngày càng đáng lo ngại và cần các quốc gia trong khu vực quan tâm đặc biệt.
Để giúp người dùng, các DN, cơ quan Nhà nước phòng tránh được các cuộc tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin, Kaspersky đã đưa ra các khuyến nghị cần làm ngay.
Theo đó, với người dùng cá nhân thì cần thiết cài đặt các phần mềm bảo mật mạnh và thường xuyên cập nhật phần mềm để nhận diện các mối nguy hiểm mới. Không sử dụng Wi-Fi công cộng để thực hiện các giao dịch trực tuyến để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân. Hạn chế click vào các link "lạ", các tập tin đính kèm "đáng ngờ" được gởi đến trong email của mình. Kiểm tra kỹ đường dẫn của các website khi truy cập trên mạng internet để tránh bị các website giả mạo tấn công, chiếm đoạt thông tin cá nhân. Sử dụng các phần mềm có bản quyền trên máy tính và thường xuyên cập nhật các phần mềm này.
Với các tổ chức, DN, cơ quan Nhà nước thì cần xây dựng nhiều lớp bảo mật cho hệ thống và thường xuyên mở rộng, nâng cấp các lớp bảo mật này. Thực hiện vá các lỗi của hệ thống công nghệ thông tin đã được phát hiện, cập nhật các bản vá lỗi mới cho hệ thống. Sử dụng các giải pháp mã hóa, bảo vệ cho các dữ liệu quan trọng của DN, tổ chức, cơ quan Nhà nước. Xây dựng hệ thống bảo vệ mạnh cho website, server, hệ thống email... và cần thường xuyên huấn luyện về bảo mật cho nhân viên của mình để nâng cấp nhận thức về an toàn thông tin.
Bình luận (0)