Ngày 25-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn lập tức giữa Israel và lực lượng Hamas, đồng thời thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin. Mỹ bỏ phiếu trắng, không phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhận sự chỉ trích gay gắt từ phía Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết việc Washington không phủ quyết đề xuất "rõ ràng là sự rút lui" khỏi quan điểm trước đó. Israel cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực chống lại Hamas ở dải Gaza cũng như nỗ lực giải thoát hơn 130 con tin.
Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông sẽ không cử phái đoàn tới Washington như dự kiến trong tuần này. Nội dung thảo luận dự kiến của chuyến thăm liên quan đến xung đột tại TP Rafah ở phía Nam Gaza.
Khi văn phòng của ông Netanyahu tuyên bố hủy chuyến thăm, giới chức Mỹ cho biết chính quyền ông Biden cảm thấy bối rối trước quyết định của Israel. Washington cho rằng đây là phản ứng thái quá, đồng thời nhấn mạnh Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách.
Quyết định không cử phái đoàn tới Washington của Israel gây thêm trở ngại cho những nỗ lực của Mỹ nhằm khiến ông Netanyahu xem xét các giải pháp thay thế cho chiến dịch trên bộ vào Rafah.
Rafah ở miền Nam Gaza, là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng của người Palestine ở Gaza. Theo hãng tin Reuters, hiện dải Gaza đối mặt thảm họa nhân đạo tồi tệ.
Mối đe dọa về chiến dịch quân sự trên bộ của Israel tại Rafah làm gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh lâu năm là Mỹ và Israel, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ có thể hạn chế viện trợ quân sự hay không nếu ông Netanyahu mâu thuẫn với ông Biden.
Ông Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ hiện làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ), nhận xét: "Điều này cho thấy niềm tin giữa chính quyền ông Biden và ông Netanyahu có thể đang rạn nứt. Nếu mâu thuẫn không được xử lý thỏa đáng, tình hình sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn".
Các quan chức Mỹ không loại trừ khả năng thay đổi chính sách của nước này với Israel. Sự thay đổi này sẽ bao gồm cả các điều kiện về viện trợ quân sự nếu Israel thực hiện các cuộc tấn công vào Rafah.
Tổng thống Biden đang phải đối mặt với áp lực không chỉ từ các đồng minh của Mỹ, mà còn từ nhiều thành viên Đảng Dân chủ nhằm kiềm chế phản ứng quân sự của Israel ở dải Gaza sau cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu vấp phải những thách thức trong nước, đặc biệt là yêu cầu của các thành viên liên minh cực hữu của ông về một đường lối cứng rắn chống lại người Palestine.
Ông Netanyahu cũng phải thuyết phục gia đình các con tin rằng ông đang làm mọi cách để giải cứu con tin, giữa lúc những cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức.
Một số nhà phân tích nói với hãng Reuters rằng thách thức hiện nay đối với ông Biden và ông Netanyahu là giữ cho sự khác biệt giữa họ không leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Bình luận (0)