"Sự mở cửa biên giới cùng với các đổi mới công nghệ như internet vạn vật, robot vận chuyển và trí tuệ nhân tạo giúp mở ra khả năng kết nối đa miền, kết nối đất liền, biển, không gian và mạng" - đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tại chương trình Đối thoại Biển lần thứ 12 với chủ đề "Thúc đẩy kết nối trên biển - Tăng cường gắn kết toàn cầu" diễn ra ngày 15-3 tại TP HCM.
Với sự tham dự của các chuyên gia và học giả đến từ nhiều nước, Đối thoại Biển lần thứ 12 gồm 4 phiên thảo luận chính: Kết nối các tuyến đường biển trọng yếu để bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu; Cảng biển thông minh bền vững: Xu hướng không thể đảo ngược trong nền kinh tế biển xanh; Kết nối hạ tầng trên biển trong kỷ nguyên số; Kết nối mạng lưới hành lang xanh trên không gian biển.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng mạng lưới hàng hải đóng vai trò là tuyến đường thương mại huyết mạch, với 80% thương mại toàn cầu lưu thông bằng đường biển. Kết nối hàng hải còn tạo điều kiện cho trao đổi văn hóa, nghiên cứu khoa học và du lịch, đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với các sự cố thảm họa và viện trợ nhân đạo, cho phép cung cấp kịp thời các hàng hóa thiết yếu đến các khu vực bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, hàng hải có vai trò quan trọng đối với các tuyến cáp quang, vốn là xương sống của kết nối số toàn cầu. Kết nối hàng hải hiện nay cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi số hóa, tự động hóa và chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo ông Vũ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về kết nối hàng hải, hứa hẹn đem đến tăng trưởng kinh tế to lớn. Khu vực này có các động lực kinh tế mạnh nhất và được xem là trung tâm toàn cầu về tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ.
Khu vực này cũng có 7/10 cảng lớn nhất thế giới và giàu tiềm năng phát triển cảng. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được kết nối chặt chẽ bởi mạng lưới cáp ngầm dày đặc, là xương sống cho kết nối viễn thông và internet.
Về phía Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thương mại, Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế.
Kim ngạch thương mại của Việt Nam đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với thương mại đường biển đều có tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam. Do đó, Việt Nam xem việc bảo đảm an toàn, an ninh và tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế là điều hết sức cần thiết và là giá trị quan trọng.
Là quốc gia ven biển và cũng là quốc gia sử dụng biển, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải.
Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào an toàn, an ninh của các hành lang hàng hải. Trong đó, Việt Nam tin rằng việc tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất.
Ông Vũ cho rằng thế giới đang đối mặt các thách thức to lớn trong việc bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên và các tiềm năng của biển nhưng thông qua đối thoại và hợp tác với nhau, các nước có thể tạo ra con đường đi đến thiết lập một hệ sinh thái đại dương bền vững và thịnh vượng cho tất cả.
Giảm sức cạnh tranh hàng hóa
Vai trò kết nối của lĩnh vực hàng hải đang đối mặt nhiều thách thức như xung đột, các mối đe dọa đến lưu thông hàng hải, cướp biển, tội phạm, khủng bố và suy thoái môi trường. Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng hỗn loạn ở biển Đỏ hiện nay đã cho thấy các tuyến đường huyết mạch và nút thắt hàng hải quan trọng có thể được sử dụng cho các mục tiêu địa chính trị. Đây cũng là một ví dụ về sự gián đoạn tại một hành lang hàng hải chính có thể gây ra hậu quả toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng biển Đỏ đã khiến chi phí hàng hải trên một số tuyến, đặc biệt là từ châu Á đến châu Âu, tăng gần gấp 5 lần. JP Morgan Research ước tính sự gián đoạn có thể làm tăng lạm phát hàng hóa cơ bản toàn cầu 0,7 điểm % và tăng lạm phát cơ bản 0,3 điểm % nửa đầu năm 2024. Dù ở xa biển Đỏ nhưng Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến bờ Đông nước Mỹ tăng từ 2.600 USD/container vào tháng 12-2023 lên 4.100 - 4.500 USD vào tháng 1-2024, tăng từ 58% - 73%. Rủi ro lớn đã kéo tăng phí bảo hiểm và chi phí năng lượng cũng cao hơn. Các khó khăn về vận chuyển hàng hải đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và gây ra đình trệ trong chuỗi cung ứng.
Bình luận (0)