Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được nêu trong thông báo kết luận cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (Ủy ban ANHK) Văn phòng Chính phủ vừa ban hành ngày 1-11-2024.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra hệ thống an ninh mạng của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hàng không; chấn chỉnh, phê bình các cơ quan, đơn vị để mất an ninh hệ thống thông tin mạng.
Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục kịp thời tình trạng mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin trong tháng 11-2024.
Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc chưa triển khai đầy đủ công tác bảo đảm an ninh mạng và không kịp thời khắc phục theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn và an ninh hàng không.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn tập chuyên ngành về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Cũng tại thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không cập nhật các quy định về an ninh hàng không, rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ quan, doanh nghiệp hàng không trong toàn hệ thống về các nội dung: Chương trình an ninh hàng không, kiểm tra hành khách, kiểm tra hành lý, trang thiết bị kiểm tra, nhân viên an ninh, công tác đào tạo huấn luyện, hệ thống quản lý, báo cáo phân tích sự cố, giám sát đánh giá... Bộ Công an phối hợp tham gia quá trình kiểm tra, đánh giá.
Sau kiểm tra, Cục Hàng không đánh giá nhu cầu về trang thiết bị an ninh hàng không đối với các sân bay chưa đáp ứng yêu cầu; đề xuất về hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực; báo cáo tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban ANHK.
Ủy ban ANHK có chức năng giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng về bảo đảm an ninh hàng không và chỉ đạo ứng phó. Các Bộ: GTVT, Quốc phòng, Công an và các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án diễn tập tình huống thiết bị bay không người lái xâm nhập trái phép, bị tấn công mạng chiếm quyền điều hành bay đối với các sân bay có lượng hành khách đông cũng như các sân bay có lượng hành khách thấp.
Kiện toàn Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì rà soát, đánh giá, tổng kết Luật Hàng không dân dụng, rà soát cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của Ủy ban ANHK; cập nhật tình hình mới, tình hình an ninh mạng phát sinh; phân định giữa phạm vi quản trị, quản lý, khai thác giữa doanh nghiệp khai thác cảng và nhà nước tại các cảng hàng không (bao gồm cảng hàng không do tư nhân đầu tư) để kiến nghị điều chỉnh các quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất và tách bạch, khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước về an ninh hàng không, an ninh quốc gia.
Tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban ANHK, các cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật, đề xuất việc kiện toàn Ủy ban. Trường hợp cần thiết, bổ sung thành viên là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các đơn vị liên quan…
Nhà nước thống nhất quản lý về an ninh hàng không bao gồm nhiều khâu, nhiều bộ phận, cả trong và ngoài sân bay, từ các dịch vụ mặt đất đến kiểm soát không lưu, vùng trời.
Bộ Công an nghiên cứu các quy định của pháp luật, đề xuất mô hình an ninh hàng không chuyên trách, thống nhất, xuyên suốt các bộ phận, trên cơ sở tận dụng lực lượng hiện có, không làm ảnh hưởng đến hoạt động an ninh hàng không hiện tại; xây dựng phương án quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhân sự; đề xuất tại báo cáo tổng kết năm 2024 của Ủy ban ANHK.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xây dựng Đề án về khắc phục các khuyến cáo của ICAO, việc thành lập Ủy ban điều tra sự cố hàng không dân dụng tách bạch với vai trò quản lý nhà nước; về bổ sung vị trí, nhiệm vụ của Ủy ban ANHK. Về Ủy ban điều tra sự cố hàng không dân dụng: Xác định cấp có thẩm quyền thành lập, việc sử dụng các cơ quan chức năng chuyên ngành giúp việc điều tra sự cố; xác định vị trí và yêu cầu về tính thống nhất thông tin, dữ liệu của Văn phòng Ủy ban ANHK; hoàn thành Đề án trong tháng 12-2024.
Bình luận (0)