Mới đây, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định phê duyệt việc chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành vườn quốc gia (VQG). Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực chung tay bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tại Xuân Liên của ngành chức năng và người dân địa phương những năm qua.
Động - thực vật phong phú, quý hiếm
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập năm 2000 (thuộc địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với tổng diện tích trên 25.000 ha, trong đó gần 24.000 ha được bảo vệ nghiêm ngặt.
Xuân Liên hiện là một trong những VQG có sự đa dạng sinh học hàng đầu tại Việt Nam, với nhiều loài động - thực vật trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, có giá trị về khoa học và sinh thái. Theo kết quả điều tra, VQG Xuân Liên hiện có 1.142 loài thực vật, trong đó nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Đáng chú ý là quần thể rừng pơ mu, sa mu thuộc loại quý hiếm trên 1.000 năm tuổi.

Một góc bản Vịn trong Vườn Quốc gia Xuân Liên
Từ năm 2014, các nhà khoa học của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên điều tra, phát hiện nhiều loài thực vật chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam và cả trên thế giới. Ông Nguyễn Mậu Toàn, kiểm lâm viên Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - VQG Xuân Liên, cho biết trong quá trình điều tra, lập danh lục hệ động vật, thực vật rừng, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài mới.
"Loài đầu tiên tìm thấy ở Xuân Liên chưa từng được ghi nhận trên thế giới được đặt tên là Aristolochia xuanlienensis, thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae). Tên loài này được đặt theo địa điểm thu mẫu tại Xuân Liên. Các mẫu chuẩn của loài này đang được lưu giữ tại Phòng Tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật Việt Nam" - ông Toàn thông tin.

Hoa Aristolochia xuanlienensis, loài mới được phát hiện ở Vườn Quốc gia Xuân Liên
Theo ông Toàn, trong quá trình điều tra sự đa dạng sinh học, các nhà khoa học còn phát hiện 3 loài thực vật khác chưa từng được ghi nhận. Đó là lữ đằng đứng lindernia megaphylla P.C, thủy thảo trắng kailarsenia lineata R.Br và song quả lá bắc tím didymocarpus pupureobracteatus smith.
Động vật tại VQG Xuân Liên cũng rất phong phú. Đây là nơi trú ngụ của vượn đen má trắng - loài có nguy cơ tuyệt chủng cao trong danh mục Sách đỏ Việt Nam. VQG Xuân Liên cũng là nơi sinh sống của 192 loài chim, 80 loài thú, 44 loài lưỡng cư, 41 loài bò sát, 69 loài cá, gần 1.300 loài côn trùng...
Qua điều tra thực tế và đặt bẫy ảnh tại VQG Xuân Liên, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều loài động vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài vượn đen má trắng, nơi này còn có voọc xám, rắn hổ mang Xuân Liên, khỉ mặt đỏ, cu li, cầy vằn đỏ...
"Xuân Liên được xem là nơi phân bố quần thể vượn đen má trắng lớn nhất Việt Nam với ít nhất 64 đàn, 182 con. VQG này hiện có trên 200 cá thể voọc xám. Đáng chú ý, mang Roosevelt - còn gọi là mang Lào, loài được coi là đã tuyệt chủng gần 100 năm nay - cũng có mặt ở đây. VQG này còn có rắn hổ mang Xuân Liên, loài hổ mang chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam" - ông Toàn hào hứng.
Điểm đến độc đáo, thú vị
Từ sự đa dạng về sinh thái, VQG Xuân Liên hiện là một trong những điểm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm được du khách rất thích thú, tò mò khám phá khi tới xứ Thanh.
Xuân Liên là VQG nằm ở thượng nguồn sông Chu, giáp ranh VQG Pù Mát (tỉnh Nghệ An) và tỉnh Hủa Phăn - Lào. Nơi này còn giữ được những cánh rừng già tương đối nguyên vẹn trên các dãy núi cao hùng vĩ. Bên dưới là thôn làng của đồng bào vùng cao cạnh rừng với những nét văn hóa độc đáo.
Hành trình khám phá rừng sa mu, pơ mu - nơi có những cổ thụ hàng trăm năm tuổi sống ở độ cao trên 1.000 m thuộc bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân - là tour du lịch đầy thử thách, thu hút rất nhiều du khách. Theo điều tra của VQG Xuân Liên, khu rừng phân bố quần thể sa mu, pơ mu có hàng trăm cây gỗ lớn. Đặc biệt, 2 "thần mộc" ở đây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Trong đó, cây sa mu có đường kính gốc 3,9 m, chiều cao tới tán 43 m; cây pơ mu đường kính 2,7 m, cao 35 m. Hai "thần mộc" này đã được các chuyên gia Nhật Bản lấy mẫu phân tích, xác định có tuổi đời lần lượt khoảng hơn 1.000 năm và 1.500 năm.
Không chỉ là nơi khám phá các khu rừng bí ẩn, Xuân Liên còn là điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách trong những năm qua khi còn rất nhiều bản làng của đồng bào Thái, Mường... sống trong VQG. Trong đó, bản Vịn là điểm đến nổi tiếng.
Bản Vịn nằm trong một thung lũng rộng lớn, mùa hè khí hậu mát mẻ, mùa đông mây mù giăng lối. Đồng bào Thái ở đây hiền hòa, chất phát. Bản Vịn vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà sàn và những món ăn truyền thống của người dân bản địa.
Theo ông Ngô Xuân Thắng, Phó Giám đốc VQG Xuân Liên, để bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gien sinh vật, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học hiệu quả, VQG đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho từng người dân địa phương. VQG phối hợp chi trả kinh phí môi trường rừng để nâng cao thu nhập cho người dân.
VQG Xuân Liên rất quan tâm tới việc triển khai các chương trình, dự án để người dân trong vùng có kế sinh nhai bền vững. Những mô hình như nuôi trồng sản phẩm đặc trưng, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá... sẽ được nhân rộng để góp phần cải thiện đời sống người dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Ngô Xuân Thắng cho biết người dân địa phương luôn chung tay bảo vệ rừng, xem rừng như nguồn sống. Vì thế, Xuân Liên còn tồn tại những cánh rừng già hiếm thấy, góp phần tạo nên một VQG đa dạng sinh học. Các cuộc điều tra cho thấy sự đa dạng sinh học ngày càng thể hiện rõ qua số lượng loài, cá thể, tổng đàn được ghi nhận ngày càng tăng.

Đặt bẫy ảnh điều tra hệ sinh thái động vật ở Xuân Liên
Bình luận (0)