xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khai thác giá trị tiềm tàng từ rơm rạ

Ca Linh

Mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ không chỉ giúp nông dân tận dụng phụ phẩm của cây lúa mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính

Lâu nay, nông dân ĐBSCL có thói quen đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa. Việc này gây ra nhiều tác động tiêu cực: thải khói, bụi mịn và các chất độc hại vào không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; phát thải khí nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu; bỏ phí nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng…

Nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường

Thay vì đốt bỏ rơm trên đồng ruộng, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm không khí, nông dân có thể tận dụng phụ phẩm này để tạo ra giá trị kinh tế tăng thêm.

Mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và môi trường. Vì vậy, đề án "1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tại ĐBSCL đã khắc phục tình trạng không còn đốt bỏ rơm trên đồng, giúp nông dân tận dụng phụ phẩm này để tăng thu nhập.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn rơm từ quá trình sản xuất với xu hướng kinh tế tuần hoàn theo Đề án 1 triệu ha lúa.

Ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho hay HTX có 7 thành viên ban điều hành, đã liên kết với hơn 100 hộ dân có tổng diện tích sản xuất lúa 140 ha. Những năm trước, sau khi thu hoạch lúa, rơm chất đống trên đồng, nông dân phải thuê nhân công dọn dẹp rồi đốt. Ai cũng thấy như vậy là ô nhiễm môi trường nhưng không còn cách nào khác.

Tuy nhiên, 3 năm qua, nhờ IRRI và các cán bộ nông nghiệp tại Cần Thơ hướng dẫn, nông dân HTX New Green Farm đã biết cách làm kinh tế tuần hoàn từ rơm.Theo đó, rơm trên đồng được nông dân bó lại, HTX bán cho người chuyên trồng nấm rơm với giá 25.000 đồng/cuộn. Rơm thải ra từ quá trình trồng nấm được HTX mua lại 1.000 đồng/cuộn để tiếp tục tái sử dụng làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt.

"Mỗi ha lúa thu được 110 cuộn rơm, bán được 440.000 đồng, nếu làm nấm sẽ thu về lợi nhuận 4 triệu đồng, chưa kể ủ phân hữu cơ để bán" - ông Cảnh tính toán.

Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), HTX của ông vừa thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm, dù chưa đánh giá cụ thể được nhưng đã thấy rõ hiệu quả. "Chúng tôi dùng 180 cuộn rơm làm nấm rơm. Giá nấm rơm trên thị trường hiện khoảng 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhờ thu lợi từ việc bán phân hữu cơ nên chắc chắn thu nhập của nông dân sẽ tăng lên" - ông Khải nhận định.

HTX New Green Farm bán rơm cho người dân ủ làm nấm Ảnh: Hoàng Vũ

HTX New Green Farm bán rơm cho người dân ủ làm nấm Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, kiểm tra phân bón hữu cơ ủ từ rơmẢnh: Ca Linh

Ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, kiểm tra phân bón hữu cơ ủ từ rơmẢnh: Ca Linh

Biến phụ phẩm thành nguồn lợi

HTX New Green Farm đã sử dụng nguồn rơm thải ra từ quá trình trồng nấm kết hợp với các phế phẩm khác trong nông nghiệp - như tro trấu, mụn dừa, phân bò... - để làm phân bón hữu cơ. Mỗi mẻ cho ra 10 tấn phân hữu cơ, mỗi tấn bán được 3,5 triệu đồng.

"Điều quan trọng ở đây là tạo được việc làm cho lao động địa phương. HTX thuê hơn 10 người để vận chuyển, trộn phân… với thu nhập không dưới 300.000 đồng/người/ngày" - ông Ðồng Văn Cảnh cho biết.

Theo Giám đốc HTX New Green Farm, phân hữu cơ làm từ rơm giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều nông dân ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang… đặt mua. HTX này sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu. IRRI đã hỗ trợ HTX máy trộn phân bón hữu cơ với công suất 30 tấn. Hiện nay, do nhu cầu phân bón hữu cơ trên thị trường rất lớn nên ông Cảnh đề nghị ngành chức năng hỗ trợ máy trộn công suất cao hơn.

Trước kia, nông dân toàn đốt rơm trên đồng nhưng sau khi thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, trong vụ lúa hè thu 2024, họ đã thay đổi thói quen. "Mô hình kinh tế này đã mở ra cơ hội để nông dân nhận thức được giá trị tiềm tàng của rơm - một phụ phẩm nông nghiệp vốn bị coi là rác thải" - ông Nguyễn Cao Khải nhìn nhận. 

Cần sự chung tay

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm không chỉ đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất lúa mà còn mở rộng tầm nhìn và cách tiếp cận của nông dân đối với các phụ phẩm nông nghiệp.

"Rơm có thể được sử dụng đa dạng, vượt xa các ứng dụng truyền thống như trồng nấm rơm hay làm phân hữu cơ. Rơm còn nhiều mục đích sử dụng khác có thể khai thác, từ đó tạo ra giá trị gia tăng đáng kể: dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, điện sinh khối… Điều này cần sự chung tay của doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước; không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp" - ông Nghiêm nhấn mạnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo