Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm tác giả dẫn đầu bởi GS Yousuke Kaifu từ Đại học Tokyo đã khám phá ra các dữ liệu thú vị mới xung quanh dòng dõi người khác loài Homo floresiensis, tức "người Hobbit" ở Indonesia.
Từ khi được khai quật tại Liang Bua, một hang động đá vôi phía Tây đảo Flores của Indonesia, Homo floresiensis không ngừng được giới khoa học chú ý.
Cũng giống như những "người Hobbit" trong tiểu thuyết cùng tên của J.R.R.Tolkien, loài người cổ đại ở Liang Bua cũng có thân hình tí hon, chiều cao chỉ khoảng gần 1,1 m.
Giờ đây, các nhà cổ nhân chủng học đã phát hiện thêm các hóa thạch người thậm chí còn tí hon hơn từ di chỉ Mata Menge ở Flores.
Mẫu vật bao gồm một xương cánh tay trưởng thành có niên đại 700.000 năm, ngắn hơn và mỏng hơn 9-16% so với mẫu vật điển hình của Homo floresiensis có niên đại khoảng 60.000 năm.
Phần xương này cũng nhỏ hơn bất kỳ xương cánh tay người tí hon trưởng thành nào khác ở thời kỳ Plio-Pleistocene.
Dựa trên chiều dài ước tính của xương, nhóm nghiên cứu có thể tính toán được chiều cao cơ thể của loài người này là khoảng 100 cm.
Chiều cao này ngắn hơn khoảng 6 cm so với chiều cao cơ thể ước tính của bộ xương Homo floresiensis 60.000 năm tuổi từ Liang Bua (khoảng 106 cm, dựa trên chiều dài xương đùi).
“Mẫu vật cực kỳ hiếm này xác nhận giả thuyết của chúng tôi rằng tổ tiên của Homo floresiensis có kích thước cơ thể cực kỳ nhỏ" - tờ Sci-News dẫn lời GS Kaifu.
Những hài cốt ở Mata Menge - thuộc về ít nhất 2 người lớn và 2 trẻ em - đều có cấu trúc giải phẫu rất giống với Homo floresiensis ở Liang Bua.
Điểm tương đồng này không ủng hộ giả thuyết cho rằng Homo floresiensis tiến hóa từ dòng dõi của những người ở Mata Menge này, mà gợi ý rằng những người ở Mata Menge là một biến thể nguyên thủ hơn của Homo floresiensis.
Ngoài ra, hai chiếc răng được khai quật Mata Menge cũng có kích thước nhỏ và một chiếc có đặc điểm hình dạng phù hợp nhất với người Homo erectus thời kỳ đầu ở Java.
Điều này tiết lộ Homo floresiensis và biến thể cũ hơn này có nguồn gốc từ Homo erectus, tức "người đứng thẳng", là dòng dõi ra đời tận 2 triệu năm trước và có thể là những người đầu tiên biết sản xuất công cụ cũng như có tư thế đi thẳng, không còn lom khom như vượn.
Cả người Homo erectus và những người tí hon ở Flores đều là các loài cùng chi Người (chi Homo) với chúng ta, tức Homo sapiens hay "người tinh khôn".
Các hóa thạch mới cũng cho thấy quá trình giảm kích thước cơ thể cực độ và đột ngột đã xảy ra vào giai đoạn đầu của lịch sử loài người ở Flores.
Giả thuyết được ủng hộ nhất về những người khác loài nhỏ bé ở Indonesia là họ đã tiến hóa như vậy để phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên hòn đảo cô lập, với rừng rậm hoang sơ và hiểm nguy, điều kiện sống khó khăn.
Bình luận (0)