- sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, đạt tiêu chuẩn VietGAP - đã mang lại kết quả đầy triển vọng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Tận dụng nhà màng với diện tích lớn của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Thành Đức trên địa bàn phường Quảng Thuận, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn chủ trì phối hợp với doanh nghiệp này thực hiện mô hình trồng dưa kim hoàng hậu. Sau khi bảo đảm cơ sở vật chất với nhà lưới và thiết bị, vật tư, phân bón, hệ thống tưới, trung tâm này đã tiến hành gieo 3.500 bầu cây giống. Dưa kim hoàng hậu trong nhà màng ở đây được áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt, bón phân hoàn toàn tự động…
Dưa kim hoàng hậu là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 60-70 ngày đã có thể thu hoạch. Giống dưa này sinh trưởng khỏe, kháng bệnh tốt, năng suất cao và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, để trồng thành công dưa kim hoàng hậu, nhà vườn phải đầu tư vốn tương đối lớn, công chăm sóc nhiều và cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Theo kết quả thử nghiệm, sau 65 ngày sinh trưởng, cây giống sống đạt 91%. Dưa kim hoàng hậu cho trái mọng, hình tròn hơi oval, vỏ trơn, khi chín có màu vàng kim đẹp mắt. Trái dưa nặng trung bình 1,2-1,8 kg, ruột vàng cam, giòn ngọt. Với sản lượng ước tính hơn 3 tấn/vụ thu hoạch, giá bán 40.000 đồng/kg, mô hình này mang lại lợi nhuận trên 15 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn, cho biết để trồng dưa kim hoàng hậu thành công, nhà vườn phải chăm chút từng khâu, từ tỉa lá, chăm sóc gốc cây đến tìm sâu, nhổ cỏ… Chỉ khi nhà vườn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dưa kim hoàng hậu mới an toàn, chất lượng.
Theo ông Hùng, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, thị xã Ba Đồn có thể trồng dưa kim hoàng hậu 3 vụ/năm. Việc đầu tư nhà màng và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân tự động là yếu tố quyết định thành công của mô hình này. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn đang tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho các hộ dân trên địa bàn đủ điều kiện trồng. Trung tâm còn tham mưu cho chính quyền thị xã sử dụng nguồn kinh phí phát triển sản xuất hằng năm để nhân rộng giống dưa kim hoàng hậu.
Ông Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình, đánh giá cao mô hình trồng dưa kim hoàng hậu này. Tuy mới được thực hiện bước đầu nhưng kết quả cho thấy tiềm năng và đóng góp của lối canh tác này sẽ làm tăng giá trị nông sản địa phương. Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu không chỉ mở ra hướng đi mới trong canh tác nông nghiệp công nghệ cao mà còn góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tăng trưởng kinh tế địa phương và phát triển xã hội bền vững.
Bình luận (0)