Công trình do hai nhà di truyền học tiến hóa Benjamin Vernot và Matthias Meyer từ Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (MPI-EVA, trụ sở tại Đức) dẫn đầu đã chiết xuất thành công nDNA (DNA nhân) của các cá thể Neanderthals chỉ từ… bụi bẩn trong hang động. Từ đó, họ đã tìm lại được một phần lịch sử nhân loại, có thể lý giải sự tuyệt chủng của loài người được cho là thông minh, khỏe mạnh và có tổ chức xã hội chặt chẽ không kém Homo sapiens chúng ta.
Theo Science News, trước đây toàn bộ DNA của người Neanderthals thu thập được chỉ là DNA ty thể chưa hoàn chỉnh, do đó khả năng tiết lộ thông tin cũng kém xa mẫu nDNA lần này.
Khai quật tại hang Galería de las Estatuas - Ảnh: JAVIER TRUEBA/MADRID SCIENTIFIC FILMS
Từ lớp trầm tích niên đại 113.000 năm lấy từ hang Galería de las Estatuas (Tây Ban Nha), nhóm tác giả thu được mẫu nDNA của một người đàn ông Neanderthals, trong khi trong lớp trầm tích bên trên, hình thành khoảng 100.000 năm, họ tìm thấy thêm nDNA của 2 cá thể nữ. Điều đặc biệt là 2 người đàn bà thuộc một dòng người Neanderthals khác biệt so với người đàn ông.
Vào thời người đàn ông còn sống, ít nhất 3 phân nhóm riêng biệt của loài này đã cư trú tại hang động, tuy nhiên đến thời của 2 người đàn bà thì chỉ còn có 1.
Theo Acient Origins, sự khác biệt này đánh dấu giai đoạn suy giảm đa dạng di truyền ở người Neanderthals, có thể chính là mầm mống của sự tuyệt chủng vài chục ngàn năm sau. Các lớp trầm tích cũng thể hiện một sự biến đổi khí hậu lớn xảy ra vào khoảng 100.000 năm trước, có thể chính là nguyên nhân.
Tiến sĩ Juan Luis Arsuaga một nhà cổ nhân học từ Đại học Complutense ở Madrid (Tây Ban Nha), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết 130.000 năm trước là thời kỳ giao mùa ấm áp, khi các sông băng từ thời kỳ băng hà trước đó tạm lùi xa, người Neanderthals có cơ hội bùng nổ ở vùng Á-Âu. Nhưng sau đó, một thời kỳ băng giá tiếp theo cập đến, đủ mạnh mẽ để quét sạch hầu hết các phân loài Neanderthals, trừ phân loài "cổ điển", mà đại diện chính là 2 người đàn bà được "tái sinh" từ bụi hang động nói trên.
Người Neanderthals cổ điển có bộ não lớn hơn một chút so với loài tiền thân. Sau giai đoạn thảm khốc này họ đã tái lập các cộng đồng quanh khu vực khá tốt. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy khả năng thích nghi của người Neanderthals không cao trước biến đổi khí hậu. Điều này có thể lý giải phần nào sự tuyệt chủng của họ.
Như các nghiên cứu trước đây cho thấy, vào khoảng 30.000-50.000 năm trước, 2 loài người khác cuối cùng từng sống song song với Homo sapiens chúng ta là Neanderthals và Denisovans đã tuyệt chủng, khiến toàn bộ chi Người (Homo) ngày nay chỉ còn một loài người.
Bình luận (0)