Tờ Newsweek đã điểm lại 4 phát hiện khảo cổ ngạc nhiên nhất về loài khủng long trong năm 2017:
1. Khủng long khổng lồ Patatotitan
Mang tên các vị thần khổng lồ Titan, loài sinh vật này được giới khoa học tuyên bố là con khủng long lớn nhất từng tồn tại trên trái đất.
Năm 2013, một người chăn gia súc ở vùng Patagonian (thuộc Argentina và Chile) đã phát hiện các tàn tích hóa thạch từ loài này. Ban đầu, nó mang tên "Titanosaur", bảo quản trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. Tháng 5-2017, Bảo tàng cổ sinh vật học Royall Tyrell ở Alberta (Canada) đã tiết lộ một hóa thạch mới được tìm thấy, gần như trọn vẹn của loài khủng long này, bao gồm áo giáp to dày và cả các lớp da. Hóa thạch có tuổi đời 110 triệu năm.
Hóa thạch Patatotitan của bảo tàng cổ sinh vật học Royall Tyrell - ảnh: NEWSWEEK
2. Viết lại "gia phả" nhà khủng long
Khủng long là loài vật đã tuyệt chủng từ lâu nên mọi nghiên cứu đều dựa trên các hóa thạch còn sót lại với ít nhiều tranh cãi và sai lệch. Vào tháng 3-2017, các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Cambridge (Anh) đã công bố một công trình lớn, trong đó viết lại hầu như toàn bộ phả hệ của loài khủng long, với những cách phân loại hoàn toàn mới, dựa trên các bằng chứng xác thực. Với phát hiện này, có lẽ chúng ta phải đặt tên lại toàn bộ khủng long đã biết.
Có lẽ chúng ta phải đặt tên lại toàn bộ khủng long - ảnh: NATURE
3. Quái vật siêu nhỏ trong hổ phách
Một vết máu được bảo quản toàn vẹn trong hổ phách đã giúp các nhà khoa học tìm thấy những sinh vật siêu nhỏ đang bám vào một chiếc lông khủng long. Đó là một loài ve cổ đại khá đáng sợ đối với những sinh vật to lớn, sống bằng cách hút máu vật chủ không thương tiếc.
Một vết máu đẫm trên chiếc lông khủng long mang số lượng lớn những con ve cổ đại được bảo quản trong hổ phách - ảnh: NEWSWEEK
4. Ổ trứng khổng lồ của thằn lằn bay
Có vẻ một đàn thằn lằn bay đã tích trữ trứng chung một ổ hoặc vì lý do nào đó, gần 200 quả trứng nằm chung một nôi. Nhiều trứng có phôi bên trong và điều này giúp các nhà khoa học hiểu thêm rất nhiều về quá trình sinh trưởng của loài này. Họ tin rằng những "em bé" thằn lằn bay ban đầu chỉ biết đi bộ, sau đó mới học bay và cần cha mẹ bên cạnh khá lâu trong giai đoạn đầu đời.
Các quả trứng và những mảnh xương ở địa điểm khảo cổ. Có khoảng 200 mảnh trong số này là những quả trứng - ảnh: NEWSWEEK
Ngoài ra, còn hàng chục phát hiện mới liên quan đến khủng long và sinh vật cổ được giới khoa học ghi nhận trong năm. Ví dụ: Một con khủng long có nhiều phần giống thiên nga, một "xác ướp" nghi là khủng long gần như toàn vẹn ở Ấn Độ, một quái vật biển kỳ lạ - cũng ở Ấn Độ, chim cánh cụt cổ đại to bằng người lớn…
Bình luận (0)