Vừa qua, một thợ điện được giao dọn dẹp một trạm biến áp phụ bị bỏ không 35 năm ở Jaspur (Uttarakhand, Ấn Độ) đã vô tình đào được một… con khủng long.
Ngạc nhiên nhất, đó không phải một bộ xương hóa thạch như các nhà khảo cổ thường khai quật được, mà là một con khủng long với thịt da được bảo quản khá tốt như một xác ướp lâu năm.
"Xác ướp khủng long" mới được phát hiện - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Sinh vật đã được đưa đi phân tích, xác định niên đại bằng cách đo đồng vị phóng xạ carbon. Tuy nhiên, các nhà khoa học hết sức nghi hoặc là làm cách nào nó lại được bảo quản tốt đến thế dù không nằm trong một khối hóa thạch.
Tiến sĩ Parag Madhukar Dhakate, nhà bảo tồn thuộc Dịch vụ Rừng rậm Ấn Độ, cho biết sinh vật mang hình dạng của một con khủng long ăn thịt cỡ nhỏ thuộc nhóm Theropods với phần thân dài 28 cm, đuôi 28 cm, đầu 9 cm và chân 29 cm. Theropods vốn đã tuyệt chủng từ ít nhất 65 triệu năm về trước. Nhóm này bao gồm nhiều loài từ khủng long bạo chúa cho đến những quái vật nhỏ dài vài chục cm, chuyên săn mồi theo số đông.
Đó là một loài thuộc nhóm khủng long ăn thịt Theropods - ảnh: Herschel Hoffmeyer
Hiện nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Có người cho rằng nó là một mẫu vật thất lạc từ một viện bảo tàng, được bảo quản bằng hóa học. Tuy nhiên, hiện chưa có ai thông báo về việc mất một con khủng long. Một số nhà khoa học khác nghi hoặc rằng nó có thể là bào thai biến dạng của một động vật nào đó, được ướp và sưu tầm.
Bình luận (0)