Theo các tác giả từ Đại học Adelaide và Đại học Flinders, nhánh động mạch này vốn tồn tại ở thai nhi nhưng sẽ biến mất dần khi thai lớn, người trưởng thành không còn thấy nữa. Nhưng đó là chuyện của vài thế kỷ trước.
Mạch máu trong cánh tay nhiều người hiện đại đã khác nhiều so với các thế kỷ trước - Ảnh minh họa từ Science Alert
Các nhà khoa học đã bắt đầu để ý đến sự tồn tại của nhánh động mạch phụ kỳ lạ trong cánh tay một số người trưởng thành từ thế kỷ 18. Một nghiên cứu đối với nhóm dân số ra đời vào những năm 1880 cho thấy có tới 10% người trưởng thành đã sở hữu nhánh động mạch này. Thống kê mới, nghiên cứu trên những người ra đời vào cuối thể kỷ 20 cho thấy tỉ lệ đã tăng lên đến 30%, tức gấp 3 lần chỉ sau hơn 1 thế kỷ.
Nghiên cứu dựa trên thi hài của nhiều người Úc gốc châu Âu hiến tặng, có độ tuổi là 51 đến 101 khi qua đời.
Theo Science Alert, nhánh động mạch này, được gọi là "động mạch trung gian", thường thoái lui khi thai được 8 tuần, nhường lại nhiệm vụ cho 2 mạch máu lớn khác mà chúng ta vẫn thấy ở người trưởng thành là động mạch quay và động mạch trụ.
Nhà giải phẫu Teghan Lucas từ Đại học Flinders, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết sự phổ biến của nhánh động mạch này là một biểu hiện cho thấy con người đang tiến hóa bằng cách thay đổi một số gene giúp mạch máu này không bị biến mất như các thế hệ trước.
Người sở hữu đặc điểm tiến hóa mới này nhận được lợi thế là các ngón tay khéo léo hơn, cánh tay khỏe mạnh hơn nhờ được cấp máu dồi dào hơn, tuy nhiên lại tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
Theo tiến sĩ Lucas, nếu xu hướng tiến hóa này tiếp diễn thì đến năm 2100, nó sẽ không còn là một đặc điểm lạ nữa vì hầu hết mọi người đều sở hữu.
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Anatomy.
Bình luận (0)