Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Nikku Madhusudhan từ Viện Thiên văn của Đại học Cambridge (Anh) cho biết các hành tinh Hycean phổ biến hơn nhiều so với dạng hành tinh đá giống Trái Đất và sở hữu những điều kiện tuyệt vời cho phép chúng vẫn sống được cho dù nằm ngoài "vùng sự sống" Goldilocks theo quan niệm thông thường.
Quang cảnh trên một hành tinh Hycean - Ảnh đồ họa từ Amanda Smith/Nikku Madhusudhan
Theo bài công bố trên The Astrophysical Journal, các Hycean – sở hữu một đại dương toàn cầu rộng lớn và khí quyển giàu hydro, có kích thước trung bình gấp 2,6 lần và khối lượng trung bình gấp 10 lần Trái Đất – thường rất gần hoặc rất xa ngôi sao mẹ.
Nhưng điều đó không tạo ra thế giới "địa ngục" trên nhiều Hycean. Mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất sẽ là những Hycean "lạnh", sở hữu hiệu ứng nhà kính do hydro phân tử dồi dào trong khí quyển, làm nóng toàn bộ hành tinh nên vẫn có được đại dương ấm áp dù ở xa sao mẹ. Một số điều kiện trong siêu đại dương của Hycean rất giống các điều kiện giúp sự sống có thể tồn tại trong đại dương của Trái Đất.
Tiến sĩ Madhusudhan giải thích thêm với tờ Science Alert rằng sau khi xác định dược các Hycean dạng này, điều tiếp theo là tìm kiếm các hợp chất đại diện cho sự sống như ozone, oxy, mê-tan... Tuy nhiên nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh vào 2 hợp chất khác ít được để y cũng có thể đại diện cho sự sống, đó là methyl chloride và dimethyl sulphide (methyl clorua và dimethyl sunfua).
Các dấu ấn sinh học này có thể được phát hiện nhờ bước sóng ánh sáng của chúng, khi kính thiên văn thu thập dữ liệu quang phổ của hành tinh. Các tác giả cho rằng siêu kính viễn vọng James Webb (NASA/ESA) đang được hoàn tất và chuẩn bị phóng lên vũ trụ trong thời gian gần sẽ là công cụ đủ sức mạnh để cho ra câu trả lời cuối cùng.
Bình luận (0)