Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Renate Matzke-Karasz từ Đại học Ludwig-Maximilians ở Munich (Đức) đã trình làng hóa thạch trong hổ phách đặc biệt của 39 sinh vật thuộc họ giáp xác đã 83 triệu năm tuổi. Điều gây choáng váng nhất là các con vật này vừa giao phối thành công xong thì bị "niêm phong" trong hổ phách, tức bị một mẩu nhựa cây chảy xuống bao trùm để rồi tất cả cùng hóa thạch.
Hình ảnh tái hiện các sinh vật cổ đại và mẫu tinh trùng quý giá - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nhờ khoảnh khắc oái oăm mà viên hổ phách được tạo thành, mẫu tinh trùng hóa thạch có tuổi đời xưa nhất trong lịch sử cổ sinh vật học đã được lưu giữ nguyên vẹn. Những chú tinh trùng có kích thước ấn tượng: gấp vài lần tinh trùng của người, dù chủ nhân có thân hình chỉ… 0,6 mm. Các sinh vật này thuộc nhóm ostracods, những vi giáp xác mà họ hàng của chúng vẫn còn tồn tại, nổi tiếng vì sở hữu những con tinh trùng dài bằng… 1/3 chiều dài cơ thể.
Điều đó nghe có vẻ bất khả thi, nhưng khi những tế bào tinh trùng này xoắn lại và quấn vào nhau thành những quả bóng nhỏ nhỏ, chúng có thể di chuyển qua đường sinh sản nhỏ bé của con cái một cách dễ dàng.
Tổng cộng 39 con vật đã được viên hổ phách nhốt lại, trong tư thế vừa làm "chuyện ấy" xong trong tích tắc. Ổ chứa tinh trùng của các con cái đều đầy ắp, cho thấy chúng vừa giao phối thành công. Ngoài ra, cơ quan kẹp của con đực dùng trong giao phối, ống bơm tinh trùng… đều được lưu giữ hoàn hảo, giúp tái hiện chân thực hành vi giao phối của những sinh vật cổ xưa.
Viên hổ phách được tìm thấy tại Myanmar vài năm trước. Hổ phách là một loại ngọc được ưa chuộng, bản chất là nhựa cây hóa thạch. Nếu viên hổ phách chứa sinh vật bên trong, nó càng quý giá.
Bình luận (0)