Nghiên cứu vừa công bố trên Zoology in the Middle East là kết quả của một chuyến thám hiểm đến sa mạc Lut, tiếng địa phương gọi là Dasht-e Loot hay Dasht-e Lut, một hoang mạc muối ở Iran, là nơi nóng nhất thế giới và có lượng mưa mỗi năm chưa đầy 30 mm.
Họ đã tìm ra loài sinh vật mới thuộc chi Phallocryptus, họ Giáp Xác. Chúng là những giáp xác nước ngọt, và theo tiến sĩ Hossein Rajaei từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bang Stuttgart (Iran), thành viên nhóm nghiên cứu, việc tìm ra sinh vật thủy sinh ở… sa mạc thuộc hàng khô cằn nhất nhì thế giới là điều "giật gân".
Sinh vật mới được ghi nhận của địa cầu là một loài giáp xác kỳ dị - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Họ đã bất ngờ tóm được nó trong một hồ nước nhỏ, chỉ hình thành ngắn hạn theo mùa ở phía Nam sa mạc Lut.
Tiến sĩ Alexander V Rudov từ Đại học Tehran (Iran), đồng tác giả, cho biết sinh vật kỳ quái này có thể tồn tại trong trầm tích hàng thập kỷ, ở một trạng thái gần như là chết giả, không cần ăn uống. Chúng chờ đợi một mùa mưa lớn đủ để lấp đầy các ao hồ, sẽ bất ngờ sống lại và sinh sôi như những con tôm, tép bình thường.
Sa mạc Lut - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Sinh vật được đặt tên là Phallocryptus fahimii để vinh danh tiến sĩ sinh vật học bảo tồn Hadi Fahimi, một thành viên cũ của nhóm nghiên cứu, đã qua đời trong tai nạn máy bay năm 2018.
Sa mạc Lut có nhiệt độ trung bình dao động từ âm 2,6oC đến 50,4oC. Vừa qua, NASA từng ghi nhận được mức nhiệt độ kỷ lục là 80,3oC, biến nơi đây thành "tử địa" nóng bỏng nhất thế giới. Sa mạc Lut hầu như không có thảm thực vật.
Bình luận (0)