Trăng máu thường được gán cho hiện tượng nguyệt thực toàn phần, lúc đó, mặt trời, trái đất và mặt trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Mặt trăng sẽ bị bóng của trái đất che phủ hoàn toàn và thường trở nên màu cam hoặc đỏ do hiện tượng tán xạ. Nguyệt thực sẽ được nhìn thấy vào rạng sáng và kéo dài khoảng 78 phút.
Ngoài Bắc Mỹ, một số khu vực ở Tây Bán cầu và một số nước ở Tây Thái Bình Dương, châu Âu, châu Phi có thể chứng kiến nguyệt thực vào tháng 4 này.
Ánh sáng của mặt trăng không hẳn luôn màu đỏ như máu trong hiện tượng nguyệt thực. Nhà quan sát thiên văn Tony Cook thuộc Đài Quan sát Griffith ở TP Los Angeles cho biết khó đoán được màu sắc thực của nguyệt thực lần này. Màu sắc đó còn tùy thuộc vào khí quyển trái đất - được xem như các bộ lọc. Bụi của các cơn bão và khói do núi lửa phun cũng có thể khiến màu sắc chuyển đổi - có thể chuyển xám hoặc vàng. Ông Cook cho rằng màu đỏ như máu là sự kiện hiếm. Người phát ngôn của Hội Thiên văn học Hoàng gia Canada Andrew Fazekas giải thích rằng một khi có nhiều bụi thì màu cam sẫm hoặc đỏ sẽ là màu của mặt trăng bị che khuất.
Tổng cộng sẽ có thêm 3 lần nguyệt thực nữa xảy ra vào ngày 8-10-2014; 4-4-2015 và 28-9-2015. Một chuỗi 4 lần trăng máu được gọi là Tetrad như thế là hiện tượng hiếm và theo dự báo chỉ xảy ra 8 lần trong thế kỷ này.
Mục sư John Hagee
Trong khi đó, Tờ New York Daily News dẫn lời mục sư John Hagee cho rằng Tetrad là một dấu chỉ cho những biến cố gây chấn động thế giới và dẫn giải một vài sự trùng hợp trong lịch sử.
Theo mục sư Hagee, Tetrad hồi năm 1943 đánh dấu sự kiện người Do Thái bị Tây Ban Nha trục xuất; năm 1949 nhà nước Do Thái được thành lập; năm 1967 là năm xảy ra cuộc chiến 6 ngày giữa người Do Thái và Ả Rập. Riêng ngày 15-4 này cũng nằm trong thời gian Lễ Vượt qua của người Do Thái.
Bình luận (0)