Theo Live Science, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Viện Công nghệ California đã mô hình hóa các hạt khí mê-tan mà tàu thám hiểm Curiosity đã phát hiện trong quá trình thăm dò Sao Hỏa và cho rằng nó phải được tạo ra gần đây bởi sinh vật sống.
Curiosity của NASA đang làm nhiệm vụ trên Sao Hỏa - Ảnh: NASA
Curiosity đã phát hiện mê-tan tổng cộng 6 lần trong những năm thăm dò Sao Hỏa. Kết hợp với các dữ liệu về tốc độ gió, hướng gió tại thời điểm phát hiện, nhóm nghiên cứu đã truy tìm nguồn gốc phát ra số ký này. Họ đã tìm thấy một vùng phát mê-tan đang hoạt động ở phía Tây và Tây Nam vị trí Curiosity đang hoạt động, tức vùng đáy một miệng hố va chạm.
Hầu hết mê-tan trên Trái Đất đều có nguồn gốc sinh học và theo các chuyên gia, trên Sao Hỏa cũng vậy. Ngay cả khi có nguồn gốc phi sinh học, nó cũng phải được tạo ra bởi hoạt động địa chất gắn liền với sự hiện diện của nước lỏng, là các yếu tố cho phép sự sống sinh tồn.
Theo Science Alert, điểm mấu chốt là tuổi thọ có thể phát hiện được của mê-tan chỉ khoảng 330 năm, tức nó phải được sinh ra trong khoảng thời gian đó. Vì vậy, sự sống trên Sao Hỏa rất có thể vẫn đang tồn tại, chứ không phải chỉ là sự sống cổ đại, đã tuyệt chủng như nghi ngờ trước đây.
Chiến binh Curiosity của NASA là một chiếc xe tự hành với nhiều thiết bị thăm dò, đã hoạt động trên Sao Hỏa nhiều năm nay, vẫn chạy tốt dù hết "hạn sử dụng" từ lâu. Nó có nhiệm vụ tìm kiếm những bằng chứng về sự sống trên hành tinh đỏ.
Bình luận (0)