Nghiên cứu mới vừa công bố trên Science Advances đã khai phá một hầm đá bazan mang tên "Người ăn mật ong" ở Tây Úc và phát hiện ra bằng chứng về kiến tạo mảng sớm nhất của trái đất sơ khai.
Trước đó, một số bằng chứng chưa đầy đủ cho thấy trái đất đã trải qua thời kỳ "rùng mình" biến đổi trước thời Neoarchean (khoảng 2,8 tỉ năm về trước). Thế nhưng khi kiểm tra 235 lõi đá lửa định hướng từ tính được khoan từ khu vực này, các nhà khoa học phát hiện sự biến đổi sớm hơn nhiều: tận 3,2 tỉ năm trước. Bởi lẽ khi một tấm vỏ trái đất bị trôi dạt do hoạt động kiến tạo mảng, loại đá này sẽ bị ảnh hưởng bởi từ trường trái đất và để lại những dấu tích không thể xóa mờ.
Ảnh đồ họa mô tả một lát cắt của vỏ trái đất thuở sơ khai 3-4 tỉ năm trước - ảnh: Alec Brenner
Nhà khoa học trái đất và hành tinh Alec Brenner từ Đại học Harvard (Mỹ) cho biết trái đất là hành tinh duy nhất được biết là có hoạt động kiến tạo mảng mạnh mẽ trong phần lớn lịch sử.
Kiến tạo mảng có thể hiểu nôm na là sự di chuyển của các mảnh vỏ trái đất. Ngày nay, vỏ ngoài cùng của trái đất bao gồm 15 mảnh vỏ cứng, trên đó là các lục địa và đại dương. Sự chuyển động của các mảng này định hình vị trí các lục địa, giúp hình thành địa hình độc đáo và đa dạng, ví dụ như các dãy núi.
Kiến tạo mảng cũng giúp các tảng đá được luân chuyển, những lứa đá mới có cơ hội tiếp xúc với khí quyển, tạo chuỗi phản ứng hóa học làm ổn định nhiệt độ bề mặt trái đất trong hàng tỉ năm. Sự bình ổn của khí hậu rất quan trọng đối với quá trình tiến hóa của sự sống. Có thể nói, chính nhờ hoạt động kiến tạo mảng sôi động mà hành tinh của chúng ta ngày một xanh tươi với sự sống đa dạng, chứ không hoang vu như các "láng giềng".
Bằng chứng mới chính là bằng chứng sớm nhất về kiến tạo mảng được xác định từ trước đến nay. Điều này có thể khiến chúng ta phải nhìn nhận lại lịch sử trái đất: 3,2 tỉ năm trước, nó đã "biến hình" giống với ngày nay hơn chúng ta tưởng.
Bình luận (0)