Nghiên cứu của Đại học California ở Davis (UC Davis - Mỹ) và Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã tìm ra sự lưu thông bất thường của vật liệu từ lõi nóng chảy trái đất vào lớp phủ dưới cùng, thông qua việc phân tích dung nham phun trào và khí thải dung nham tìm thấy ở Samia và Hawaii.
Mặt cắt của trái đất - ảnh: Johan Swanepoel
Cụ thể, họ đã tìm thấy trong dung nham những đồng vị sắt hết sức vô lý. Dung nham là vật liệu nóng chảy được phun lên từ lớp phủ của trái đất, nơi không hề sở hữu những đồng vị này. Các đồng vị sắt này vốn thuộc về phần lõi hành tinh, nơi đáng lẽ phải hoàn toàn kín, không có sự trao đổi vật liệu với các lớp bên ngoài.
Theo giáo sư Charles Lesher, người đang công tác đồng thời tại Trường Đại học Hệ thống trái đất thuộc UC Davis và Đại học Aarahus, tác giả chính của nghiên cứu, kết quả này cho thấy trái đất đã có thể bị rò rỉ trong hàng tỉ năm.
Sự rò rỉ này đã khiến các đồng vị sắt đặc trưng của nó có cơ hội xâm nhập vào lớp phủ. Ngược lại, một số đồng vị chỉ có trong lớp phủ đã trôi ngược vào lõi. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geosciences.
Trước dó, một nghiên cứu khác của trợ lý giáo sư – tiến sĩ Hanika Rio ở Đại học Carleton (Ottawa, Canada) cũng đưa ra bằng chứng về sự trao đổi vật chất giữa lõi trái đất và lớp phủ dưới cùng. Các vật liệu lõi cũng được nhóm nghiên cứu này tìm thấy trong dung nham ở một số điểm phun trào như Réunion ở Ấn Độ Dương. Nghiên cứu này công bố trên Geochemical Perspectives Letters.
Bình luận (0)