Theo định vị từ trang Time and Date, "nguyệt thực nửa tối" ở Việt Nam sẽ xuất hiện vào 0 giờ 45 phút rạng sáng ngày 6-6, đạt "đỉnh" vào 2 giờ 24 phút sáng và kết thúc vào 4 giờ 4 phút.
Bản đồ 3-D mô tả vùng quan sát được nguyệt thực nửa tối. Việt Nam nằm trong vùng sẽ chiêm ngưỡng cuộc xâm chiếm của "bóng ma" trái đất trọn vẹn - ảnh: TIME AND DATE
Nguyệt thực nửa tối là một dạng nguyệt thực đặc biệt. Nguyệt thực toàn phần (trăng máu) là khi mặt trăng, trái đất, mặt trời gần như thẳng hàng và mặt trăng lọt vào vùng tối hoàn toàn của bóng trái đất. Trong khi đó, nguyệt thực nửa tối xảy ra khi mặt trăng chỉ nằm ở rìa của bóng trái đất. Mặt trăng sẽ không chuyển sang màu đỏ mà chúng ta sẽ thấy một bóng đen mờ dần dần xâm chiếm mặt trăng rồi lùi đi sau vài giờ.
Nguyệt thực nửa tối lần này xảy ra trên "trăng dâu" – cách gọi của các quốc gia phương Tây đối với trăng tròn tháng 6, vì mọc ngay mùa của những quả dâu chín mọng.
Nguyệt thực nửa tối là khi mặt trăng lọt vào vùng màu xanh của bóng trái đất - ảnh: F.Espenak
Theo các nhà khoa học, nguyệt thực nửa tối lần này khá dễ thấy, nhưng sẽ khó quan sát nếu bạn không canh thời điểm nó vừa bắt đầu hay lúc nó dần kết thúc để thấy được chiếc bóng mờ chầm chậm xâm chiếm rồi rời đi. Nếu chỉ quan sát khoảnh khắc "đỉnh", bạn chỉ thấy được một mặt trăng tối hơn bình thường.
Các quốc gia ở châu Phi, châu Đại Dương, một phần lớn châu Á, châu Âu và vùng bờ biển phía Đông Nam Mỹ sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng lần nguyệt thực nửa tối này. Cuối tháng 6, mặt trăng sẽ "nổi loạn" lần nữa và gây ra nhật thực toàn phần. Trong tháng 7 sẽ có một nguyệt thực nửa tối nữa, nhưng Việt Nam không thuộc vùng có thể quan sát.
Bình luận (0)